Chiều ngày 28/9/2020, Thường trực Tỉnh uỷ làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Kinh Môn về định hướng phát triển thị xã giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì; tham dự có các đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; thủ trưởng một số sở, ngành của tỉnh;Ban Thường vụ Thị ủy Kinh Môn và trưởng các phòng, ban có liên quan của thị xã Kinh Môn.
Thị xã Kinh Môn sau khi được công nhận, có 23 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 14 phường và 09 xã), diện tích tự nhiên là 165,3km2, dân số 174.662 người. Vị trí địa lý, giao thông thủy, bộ thuận lợi cho giao thương, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, thị xã có trên 900 doanh nghiệp đang hoạt động; nhất là Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho Kinh Môn phát triển đột phá trong những năm tới.
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thị ủy Kinh Môn
Kết quả phát triển kinh tế của Thị xã Kinh Môn trong 5 năm qua có tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 11,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 dự kiến đạt 67,5 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân 2,3%/năm; giá trị sản phẩm trên 01ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt 220 triệu đồng. Kinh Môn có 6 sản phẩm được vinh danh đạt sản phẩm vàng nông nghiệp Việt Nam là Hành, Tỏi, Nếp cái Hoa vàng, Sắn dây, rượu nếp cái hoa vàng, thanh long ruột đỏ; có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Đ/c Nguyễn Thị Lễu, PBT, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn báo cáo
Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân tăng 12%/năm, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, nhất là các cụm công nghiệp, nâng tỷ lệ lấp đầy trên 85%; triển khai quy hoạch 5 cụm công nghiệp mới An Phụ, Thăng Long, Quang Trung, Bạch Đằng, Thất Hùng. Hoạt động dịch vụ và thu ngân sách thị xã hàng năm đều tăng so với kế hoạch giao; đảm bảo cân đối chi ngân sách đáp ứng cơ bản cho các hoạt động.
Kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm, đầu tư nâng cấp găn với phát triển giao thông kết nối vùng với các tỉnh lân cận. Nhất là một só công trình hợp tác đầu tư với thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng); xây dựng công trình cầu Dinh, cầu Mây, cầu Triều… tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn thị xã Kinh Môn trong tương lai.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thị xã Kinh Môn lần thứ XXV xác định mục tiêu, nhiệm vụ đó là: “Huy động mọi nguồn lực, xây dựng t hị xã Kinh Môn đạt đô thị loại III trước năm 202 5 và trở thành thành phố trước năm 2030 ” . Với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung rà soát, hoàn thiện lập quy hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, các khu đô thị; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên vùng, phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng các khu di tích quốc gia thị xã Kinh Môn với thành phố Chí Linh, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Đồng thời tiếp tục thực hiện 4 dự án, công trình trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 6 dự án, công trình trọng điểm nhiệm kỳ 2020 – 2025...
Đ/c Nguyễn Mạnh Hiển, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Kinh Môn
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định Kinh Môn vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh lớn để phát triển kinh tế-xã hội và hội tụ đủ điều kiện để sớm trở thành thành phố trước năm 2025. Tuy nhiên, để phấn đấu đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, nhất là Ban Thường vụ Thị ủy Kinh Môn cần phải nghiên cứu để phát huy, hiện thực hóa những lợi thế, tiềm năng để thị xã thực sự trở thành cực phát triển kinh tế vùng đông bắc của tỉnh. Trong đó, cần phải có các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; đồng thời phải có biện pháp kiên quyết, thực hiện đồng bộ, nhất là các doanh nghiệp đang gây ô nhiễm phải yêu cầu thay đổi công nghệ.
Để định hướng phát triển đồng bộ, dài hạn và đáp ứng yêu cầu cần phải rà soát, điều chỉnh phát triển kinh tế, xã hội; trong đó cần tích hợp quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, phát triển du lịch và dịch vụ hiệu quả, phù hợp thực tế. Tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng để nâng cao giá trị kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và phối hợp sớm hoàn thành các công trình giao thông kết nối với Quảng Ninh, Hải Phòng để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Công tác quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương phải có tầm nhìn, xứng tầm, phát huy tối đa các giá trị của khu di tích. Quan tâm phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Thị ủy Kinh Môn khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện chương trình hành động, cụ thể hóa các đề án, kế hoạch để thực hiện hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 -2025 gắn với định hướng phát triển chung của tỉnh, của đất nước. Quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thị ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; cùng với quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trên cơ sở đề xuất của Ban Thường vụ Thị ủy Kinh Môn, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương tới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề và giao cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tham mưu cụ thể để có những cơ chế đặc thù giúp Kinh Môn phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương và có những bước phát triển đột phá, tập trung mọi nguồn lực, xây dựng thị xã Kinh Môn đạt đô thị loại III trước năm 2025, lập hồ sơ thành lập thành phố trước năm 2030.