Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Một số kết quả chuyển đổi số gắn với thực hiện Đề án 06 và công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh

Thứ Hai 03/06/2024 14:26

Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cùng với việc triển khai có hiệu quả Đề án 06.

Lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh cấp CCCD cho nhân dân

Thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cùng với việc triển khai có hiệu quả Đề án 06; đạt được một số kết quả nổi bật. Hầu hết các hoạt động của địa phương đều được thực hiện trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm được thời gian và kinh phí; hệ thống thông tin được kết nối, chia sẻ tạo thuận lợi cho công tác của chính quyền các cấp; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai thác hiệu quả trong quản lý xã hội nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, khám chữa bệnh, lưu trú, an sinh xã hội, thanh toán trực tuyến góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Hiện đã hoàn thành số hoá trên 2,1 triệu dữ liệu dân cư (đạt 100%); các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiếp tục được các sở, ngành xây dựng, hoàn chỉnh và số hóa trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm "đúng, đủ, sạch sống". Tổ chức triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC năm 2023 tăng 38% so với cuối năm 2022. Hải Dương đã kết nối 13 trong tổng số 17 cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương với hệ thống của tỉnh qua nền tàng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính. Tích hợp được 618 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đang cung cấp 1.899 dịch vụ công, trong đó có 573 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Các sở, ban, ngành, địa phương đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 99%. Tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đạt 92,4% tăng 3,3% so với năm 2022. 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân; gần 60% trường hợp thuộc diện an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản ngân hàng…  Kết quả đánh giá, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Hải Dương đạt mức A, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các hoạt động phát triển kinh tế số cũng từng bước được hình thành và phát huy hiệu quả. Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ số, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; kỹ năng số cũng dần được cải thiện, dần thay đổi thói quen và hình thành văn hóa số. Toàn tỉnh hiện có 266 doanh nghiệp công nghệ số. Thiết lập và cấp 305 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có 234 sản phẩm OCOP và 200 cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng tem truy xuất nguồn gốc... Có 150.031 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử đang hoạt động; 173.732 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; 1.162 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 41.132...

nm_2021_hi_dng_phn_u_xay_dng_it_nht_1_sn_phm_ocop_t_5_sao_20_sn_phm_t_4_sao_va_30_sn_phm_t_3_sao.jpg

Nhiều sản phẩm nông nghiệp OCOP ở Hải Dương được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử 

Hạ tầng viễn thông được các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng và phát triển hiện đại, hiện có trên 3.240 trạm thu phát sóng di động (BTS) tại 1.582 vị trí. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động (3G, 4G) đạt 100%. Tổng số thuê bao di động đạt 2.325.887 thuê bao, ước đạt 116 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao internet băng thông rộng là 1.718.667 thuê bao, ước đạt 86 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ hộ gia đình có internet băng rộng là 404.286 thuê bao, ước đạt 70 thuê bao/100 hộ. Thuê bao điện thoại di động sử dụng Smartphone ước đạt 1.535.526 thuê bao, đạt tỷ lệ 79 Smartphone/100 dân.

Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai thực hiện Đề án 06 trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, đồng bộ, chậm triển khai các văn bản của Trung ương và nhiệm vụ được giao, nhất là việc triển khai các dự án thuộc Đề án "Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030" còn chậm; nhân lực phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các sở, ngành, địa phương còn hạn chế về chuyên môn; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chưa được thường xuyên, kịp thời…

Trong thời gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát huy chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số. Sớm ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Giao dịch điện tử và các văn bản theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Rà soát, xây dựng ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, phát huy tối đa các giá trị tiện ích của chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06. Tập trung hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, lao động, tư pháp, y tế… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tận dụng các ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân về ứng dụng chuyển đổi số. Phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng trong phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số cho người dân. Tăng cường bảo đảm an toàn hạ tầng thông tin; thường xuyên rà soát, chủ động phát hiện các "lỗ hổng" bảo mật có nguy cơ bị tin tặc tấn công đánh cắp dữ liệu, chiếm quyền quản trị trên các trang/cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, các hệ thống thông tin chuyên ngành của các sở, ngành, địa phương. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và triển khai thực hiện Đề án 06.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: