Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Kế hoạch số 214-KH/TU ngày 03/5/2024 để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW phải đảm bảo đồng bộ, thường xuyên, liên tục, nghiêm túc với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, cần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW; xác định những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phạm pháp luật về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đa dạng hoá, đổi mới hình thức và huy động sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tới từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Rà soát, hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo thẩm quyền, theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi; tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến lược, giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025; hằng năm bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các lĩnh vực then chốt như năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước, tài sản công. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia. Triển khai thực hiện lộ trình cải cách các chính sách thuế theo quy định của Trung ương; nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; đổi mới việc phân bổ, đẩy mạnh quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia…; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xã hội hoá cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và nhân dân. Tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư ở cơ sở; kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát...