Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Từ chuyên án năm xưa, ngời sáng phẩm chất “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người cán bộ Công an nhân dân Việt Nam.

Thứ Sáu 14/08/2020 16:11

Xem với cỡ chữ
Từ chuyên án năm xưa, ngời sáng phẩm chất “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người cán bộ Công an nhân dân Việt Nam.

Tôi có cơ duyên gặp bác Bùi Quốc Thụy, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Hải Dương ( trước là Công an Hải Hưng ) giai đoạn 1981-2002 trong những ngày đầu tháng 8/2020, khi lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ( 19/8/1945-19/8/2020 ). Tuy bác Thụy đã nghỉ hưu gần 20 năm nay, nhưng câu chuyện mà bác chia sẻ về hành trình phá vụ trọng án giết người, cướp tài sản xảy ra 25 năm trước của lực lượng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Hải Dương khiến tôi cảm nhận rõ rệt ngọn lửa yêu ngành và những trăn trở đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự vẫn chưa khi nào tắt trong huyết quản của người cán bộ công an từng công tác gần 40 năm tại Phòng Kỹ thuật hình sự.

Lãnh đạo, cán bộ phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hải Hưng tham gia phá vụ trọng án (Đ/c Bùi Quốc Thụy-Trưởng phòng đứng thứ 2 từ trái sang, đ/c Phạm Xuân Kiểm, Phó trưởng phòng đứng giữa). Ảnh chụp năm 1995

Vụ trọng án năm xưa…

Dù đã 25 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in trong tâm trí từng chi tiết vụ trọng án mà lực lượng Kỹ thuật hình sự đã phá, truy bắt được thủ phạm qua công tác giám định đường vân ” - Những lời hồi ức và đôi mắt xa xăm của bác Thụy đưa tôi về không gian, thời gian của tỉnh Hải Hưng cũ vào 25 năm về trước.

Khoảng 20h Chủ nhật, ngày 05/9/1995, đang ăn cơm với gia đình, tôi nhận được điện thoại của đồng chí Hà Xuân Trí - Giám đốc Công an tỉnh: “Vì anh đang được nghỉ, nên tôi trực tiếp điện, anh vào cơ quan ngay để tham gia vụ trọng án…”. Buông bát, tôi thay vội bộ quần áo để vào cơ quan. 02 vợ chồng kinh doanh đồ điện, loa đài tại thị trấn Trai Trang, huyện Mỹ Văn đã bị giết để cướp tài sản, trong đó người vợ đang mang thai được 7 tháng. Vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tôi đã lập tức triệu tập thêm một số cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong công tác khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y của đơn vị. Hội đồng khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y được thành lập ngay sau đó ”.

Hiện trường vụ án là ngôi nhà 02 tầng diện tích hẹp ở mặt tiền đường 39, thuộc thị trấn Trai Trang, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng cũ. Khi ấy trời đã vào thu, nhưng hôm đó áp lực công việc, tâm lý dồn nén rất lớn cộng thêm áp lực của đám đông nhân dân hiếu kỳ bao quanh nên cán bộ khám nghiệm hiện trường, bác sỹ giám định pháp y hết sức căng thẳng, mồ hôi đầm đìa…Đến 02h sáng ngày 06/9/2020, cuộc khám nghiệm hiện trường, thu lượm các dấu vết vân tay, vết máu, lông, tóc… và giải phẫu 02 nạn nhân tạm thời kết thúc ”.

Ngay sau đó, trong cuộc họp của Hội đồng khám nghiệm, dựa vào các dấu vết vân tay, máu để lại tại hiện trường có đầy đủ những đặc điểm chung, riêng và đặc biệt; cùng những vết thương trên cơ thể 02 nạn nhân (chị N.T.T, 26 tuổi, đang mang thai 7 tháng có 19 vết đâm, chồng là anh N.V.L, 32 tuổi có 27 vết đâm); những điểm khi giải phẫu 02 tử thi, hình thành những quy luật dấu vết rất logic. Do vậy, tôi đã rất tự tin có ý kiến nhận xét, định hướng cho công tác điều tra: “Vụ trọng án này nhất định sẽ tìm ra thủ phạm nếu nắm chắc di biến động của đối tượng, đặc biệt là sự di chuyển của người dân sau ngày 05/9 và lấy dấu vân tay gửi về Phòng Kỹ thuật hình sự. Đối tượng nhiều khả năng quen biết với gia đình nạn nhân; không chuyên nghiệp vì phải đâm nạn nhân nhiều nhát…

Ban chuyên án đã huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, gồm hơn 200 cán bộ cảnh sát hình sự, điều tra, quản lý hành chính về trật tự xã hội của tỉnh và Công an các huyện, thị để điều tra, xác minh, lấy dấu vân tay của gần 4000 người từ 16 đến 60 tuổi tại 06 xã thuộc huyện Mỹ Văn…

Vào cuộc truy bắt thủ phạm của lực lượng Kỹ thuật hình sự

Bác Thụy chia sẻ, thời gian đó, Phòng Kỹ thuật hình sự chỉ có 17 cán bộ, chiến sỹ. Tuy ít nhưng tinh, vì số cán bộ này đều tốt nghiệp các trường Đại học Cảnh sát nhân dân chuyên khoa Kỹ thuật hình sự, Đại học Y và Tổng hợp, có trên 10 năm công tác thực tế. Với tinh thần trách nhiệm tận tụy hết mình vì công việc nên công tác giám định gần 4000 chỉ bản đã hoàn thành sớm trước thời hạn chỉ tiêu mà Ban chuyên án giao. Đó là một hành trình vô cùng vất vả, đòi hỏi sự khẩn trương, thận trọng, tỷ mỷ, chính xác, khách quan và toàn diện của người cán bộ kỹ thuật hình sự.

Suốt hơn một tháng, ba phòng làm việc của đơn vị trên tầng 5, đêm nào cũng sáng đèn. Mục đích tìm bằng được hung thủ, giải tỏa oan khuất cho những nạn nhân bị tước đoạt mạng sống, đặc biệt là sinh linh bé nhỏ đang chờ ngày ra đời, đáp ứng mong mỏi của nhân dân về sự nghiêm minh của luật pháp đã không ngừng thôi thúc chúng tôi làm việc. Tuần thứ nhất trôi qua, sang tuần thứ 2, thứ 3, thứ 4, có cặp danh chỉ bản đã được kiểm tra lần 2, lần 3 đề phòng sơ suất về kỹ thuật, mà kẻ thủ ác vẫn chưa “hiện hình”. Nhưng chúng tôi chưa khi nào nản chí. Các đồng chí ở đội Khám nghiệm và Pháp y, ngày đi công tác, tối lại vào đơn vị giám định danh chỉ bản. Khi ấy điều kiện kinh tế còn khó khăn lắm, bữa ăn hàng ngày của cán bộ chỉ quanh quẩn cá khô, mắm tôm, lại thêm nhiều đêm thức trắng nên không tránh khỏi mệt mỏi. Có đêm tôi sang phòng của đ/c Phạm Xuân Kiểm, Phó trưởng phòng, thấy đồng chí đã ngủ gục trên sấp vân tay bày la liệt. Tôi lúc đó ở cương vị người đứng đầu đơn vị, rất băn khoăn và áy náy, nếu bồi dưỡng được cho các đồng chí làm đêm phục vụ chuyên án mỗi người một gói mỳ thì tốt quá, nhưng đơn vị không có nguồn, bản thân tôi làm đêm cũng chịu đói, đi ngủ. ” - bác Thụy kể.

Nghe kể đến đây, tôi thấy nao nao trong dạ. Thời điểm đó, trong lực lượng Công an chưa phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hay “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” như hiện nay, mà cán bộ chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự nói riêng và cán bộ chiến sỹ Công an Hải Dương nói chung vẫn thấm nhuần lời dạy của Bác “ Đối với công việc, phải tận tụy ” và tự nguyện hy sinh, cống hiến hết mình cho công việc như vậy. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay cần tích cực phấn đấu như thế nào để tiếp nối xứng đáng tinh thần, truyền thống quý báu đó?

Thấy tôi mất tập trung vào câu chuyện, bác Thụy lay lay tôi, kể tiếp: “ Cháu biết đến khi nào chúng tôi phát hiện ra hung thủ không? Sau hơn 50 ngày giám định danh chỉ bản, sáng ngày 29/10, tôi đang đi trên hành lang tầng 5 thì đ/c Kiểm, phó phòng kéo tôi vào và nói: “Anh kiểm tra vân tay số 3999 mang tên N.B.P, sinh tháng 11/1977, cư trú tại thị trấn Trai Trang đi”. Khi kiểm tra đến lần thứ 3, tôi xúc động quá, ôm chặt lấy đ/c phó phòng đến nghẹt thở, thủ phạm vụ trọng án đã hiện hình rồi ”.

Công tác điều tra, xác định thủ phạm với nạn nhân là anh em họ, nhá nhem tối ngày 05/9/1995, N.B.P sang nhà anh N.V.L nhờ sửa chữa đài. Lợi dụng anh L. ở sau vườn, P. đã lẻn lên tầng 2 trộm cắp tài sản. Khi anh L. lên gác, bị phát hiện, P. đã dùng con dao Thái để trên bàn đâm anh L., hai người có vật nhau…Ở nhà hàng xóm kế bên, vợ anh L. nghe thấy động, về nhà thì bị P. ra tay sát hại dã man ở tầng 1. Vì N.B.P 17 tuổi nên Tòa tuyên phạt án chung thân ”.

Sáng hôm sau, cuộc họp Ban chuyên án tại Công an huyện Mỹ Văn, đ/c Giám đốc Công an tỉnh đang họp Quốc hội cũng về dự. Trước khi ký lệnh bắt khẩn cấp, đ/c hỏi tôi: “Anh có chắc không?”. Tôi trả lời: “Vết vân tay, anh Kiểm phát hiện, tôi đã kiểm tra rất kỹ. Chúng tôi lấy sinh mạng của mình ra đảm bảo trong vụ án này ”.

“Một tuần sau đó, cuộc họp rút kinh nghiệm, đ/c Thiếu tướng Đỗ Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân biểu dương các đơn vị thuộc Công an Hải Hưng, đặc biệt biểu dương Phòng Kỹ thuật hình sự đã lập chiến công xuất sắc. Đ/c Đại tá, PGS.TS Ngô Tiến Quý, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự cũng nêu vấn đề: Đã cử một số chuyên gia về khám nghiệm, nhưng các đồng chí Hải Hưng đã làm rất tốt”.

Sau này , các đơn vị tham gia điều tra vụ trọng án đều được khen thưởng. Riêng tập thể phòng Kỹ thuật hình sự được tặng Huân chương chiến công hạng Ba, 07 cá nhân vinh dự được khen thưởng: đ/c Phạm Xuân Kiểm, Phó trưởng phòng nhận Bằng khen của Thủ tướng, tôi nhận Bằng khen của Bộ, 05 đ/c khác được Ủy ban tỉnh tặng Bằng khen. Hồi đó nước mình còn khó khăn, Bằng khen không kèm theo tiền thưởng như bây giờ đâu cháu ạ. Nhưng chúng tôi vẫn phấn khởi, hạnh phúc và tự hào lắm ”- bác Thụy kết thúc câu chuyện, trầm ngâm nhấp tách trà và ánh mắt ngời sáng về một thời tuổi trẻ hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hơn bất cứ khi nào, tôi hiểu, đối với bác Thụy và rất nhiều cán bộ chiến sỹ công an khác, phần thưởng lớn nhất là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công sức của họ trong sự nghiệp bảo đảm ANTT, giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân. Thời gian sẽ qua đi, nhưng những chiến công mà các thế hệ Công an nhân dân Việt Nam lập được sẽ còn ở lại mãi trong những trang sử vẻ vang của toàn lực lượng, của từng đơn vị. Lập nên những chiến công đó không thể thiếu phẩm chất, cốt cách của người cán bộ công an: tận tụy với công việc, tận tâm, dốc sức vì nước quên thân, vì dân phục vụ, dám hi sinh lợi ích của bản thân và gia đình để giữ vững an ninh trật tự, mang cuộc sống bình yên về cho nhân dân. Câu chuyện mà tôi được bác Thụy chia sẻ hôm nay, tôi rất muốn chia sẻ tới nhiều người khác nữa, để mọi người thêm hiểu, thêm tin và luôn sát cánh đồng hành với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH.

Phương Thùy- CA tỉnh HD

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: