Trong suốt chiều dài lịch sử, tại Hải Dương có nhiều dấu tích hình thành và phát triển của nền y dược cổ truyền (YDCT) cũng như có nhiều thầy thuốc nổi tiếng được ghi nhận có nhiều đóng góp cho nền y học của tỉnh và cả nước như Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, Danh y Nguyễn Đại Năng, Danh y Phạm Công Bân,..
Mô hình trồng cây kim tiền thảo
Hoạt động y dược cổ truyền được quan tâm với 15 bệnh viện, Trung tâm Y tế có khoa Y học cổ truyền (YHCT), phục hồi chức năng; 149 phòng khám đa khoa, chuyên khoa có khám, chữa bệnh bằng YHCT, phục hồi chức năng, phòng chẩn trị YHCT; 39 cơ sở sản xuất thuốc, bán buôn, bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu; 146 cơ sở có thực hiện xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt; 120 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và hệ thống 342 nhà thuốc, 706 quầy thuốc có kinh doanh thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Nguồn nhân lực tham gia lĩnh vực khám chữa bệnh bằng YDCT của tỉnh được đào tạo cơ bản tại các trường Đại học và Cao đẳng hoặc được cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp YHCT với y học hiện đại. Trong đó, 75 bác sĩ YHCT, 287 y sĩ YHCT; 855 lương y, 67 người có bài thuốc gia truyền.
Hải Dương là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây dược liệu phát triển, được biết đến là địa phương có truyền thống về YDCT, nhiều dược liệu đã được trồng trên địa bàn tỉnh như đinh lăng, gấc, ích mẫu, bồ công anh, cà gai leo, cỏ ngọt, diệp hạ châu, kim ngân … Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của một số đơn vị, như: Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Hải Dương, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội,… một số địa phương (Chí Linh, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng) đã và đang triển khai mô hình trồng dược liệu có quy mô nhỏ theo hướng GACP-WHO như: thiên môn đông, ké đầu ngựa, kim tiền thảo, cà gai leo, dong riềng đỏ, kim ngân hoa, diệp hạ châu đắng, diệp hạ châu,…
Một số sản phẩm dược liệu do Công ty cổ phần Dược-Vật tư y tế Hải Dương trồng đã được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, như: Dược liệu kim tiền thảo, diệp hạ châu, diệp hạ châu đắng. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu, vị thuốc cổ truyền đăng ký đạt tiêu chuẩn OCOP.
Để tiếp tục phát huy truyền thống, giá trị lịch sử của nền YDCT Hải Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm YDCT phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030. Lấy quan điểm cốt lõi "Nam dược trị nam nhân" của Đại danh y Tuệ Tĩnh trong việc cung ứng các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược học cổ truyền phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa; đưa YDCT thành một loại hình sản phẩm du lịch bổ trợ, có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế đối với các ngành và địa phương trong tỉnh. Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm YDCT có thế mạnh, có giá trị kinh tế trên cơ sở nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và tăng tính hấp dẫn của các dịch vụ, sản phẩm theo hướng bền vững; có lộ trình, tính ưu tiên; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc thù của YDCT phục vụ khách du lịch; kết hợp với tăng cường thông tin, truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu nền YDCT của tỉnh. Từng bước xây dựng và phát triển loại hình dịch vụ, sản phẩm YDCT gắn với các khu, điểm du lịch có ý nghĩa vùng, quốc gia, địa phương hoặc các tuyến du lịch nội tỉnh trên địa bàn tỉnh.
Ngày càng có nhiều người chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền
Sở Y tế được giao là cơ quan đầu mối, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch; cung cấp thông tin về các thế mạnh của YDCT cho các đơn vị có liên quan nhằm giới thiệu dịch vụ, sản phẩm YDCT của tỉnh. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân đăng ký, cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, sản phẩm YDCT, cơ sở khám chữa bệnh YDCT theo đúng quy định hiện hành.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quy hoạch và quản lý hệ thống các điểm cung ứng dịch vụ, sản phẩm YDCT phục vụ phát triển du lịch, gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; đồng thời lồng ghép các loại hình dịch vụ YDCT phục vụ phát triển du lịch vào trong quy hoạch của tỉnh và quy hoạch vùng; tham mưu xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ, sản phẩm YDCT phục vụ khách du lịch.
Phối hợp với Hội Đông y tỉnh tổ chức tuyên truyền hướng dẫn hội viên tham gia cung cấp các dịch vụ, sản phẩm YDCT (đặc biệt là các bài thuốc cổ truyền, bài thuốc gia truyền) phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo thành chuỗi liên kết giữa y tế, du lịch; nghiên cứu, đề xuất những cơ sở, cá nhân, hội viên tay nghề cao, bài thuốc hay; sản phẩm y, dược cổ truyền tốt phục vụ khách du lịch.
Chỉ đạo Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên y tế sử dụng các phương pháp YHCT phục vụ khách du lịch tại các cơ sở xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng... trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn quy trình, chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ sở tham gia cung ứng dịch vụ du lịch sức khỏe (khám, chữa bệnh, làm đẹp, phục hồi chức năng bằng YDCT, xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu...); tham mưu, đề xuất phương án nâng cao cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh bằng YDCT nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.