Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Năm 08/08/2024 09:09

Xem với cỡ chữ
Giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hải Dương luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ then chốt, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Hải Dương đã đạt những kết quả quan trọng.

Đến ngày 30/6/2024 tổng dư nợ đạt 5.157.153 triệu đồng với 89.329 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 2.812.204 triệu đồng (+119,9%) so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW (năm 2014). Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố nâng cao.

Tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn:

Trong giai đoạn 2014-2024, từ hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp giúp 57.980 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 30.597 lao động; giúp 3.904 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 263.998 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 1.264 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, cho vay 191 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 253 hộ gia đình vay vốn tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù theo quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ...

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và trong từng giai đoan, cụ thể: Giai đoạn 2011-2015, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg) tỷ lệ hộ nghèo từ 10,99% năm 2011 giảm xuống 3,27% năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, kết quả rà soát hộ nghèo (theo quyết định số 59/2015/QĐ-TTg), tỷ lệ hộ nghèo từ 7,19% năm 2015 xuống còn 1% năm 2021; Giai đoạn 2021-2023, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP) tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,15% năm 2021 xuống còn 1,34% năm 2023.

Các chính sách xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, hệ thống chính sách an sinh xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân; đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của người dân từng bước được ổn định, cải thiện; các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được quan tâm thực hiện tốt; người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội được trợ giúp thường xuyên, kịp thời; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng; hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện; các chỉ tiêu cơ bản về thu nhập, nhà ở, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc và các phương tiện sinh hoạt phục vụ đời sống người dân được bảo đảm.

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định rằng, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp tỉnh thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách còn một số hạn chế như trong báo cáo đã nêu như: vẫn còn phát sinh một số trường hợp khách hàng nợ quá hạn; nguồn vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương.

Để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền; quan tâm bổ sung nguồn vốn ủy thác chuyển sang NHCSXH tỉnh để cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác để người dân yên tâm sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...

Phạm Thị Hoài, VPTU (Nguồn Sở LĐTBXH)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: