Biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cán bộ, đảng viên và nhiều người dân ở Hải Dương đều bày tỏ tình cảm kính yêu và tiếc thương.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi còn là Chủ tịch Quốc hội đã dành nhiều tình cảm cho nhân dân Hải Dương. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chia quà cho các cháu nhỏ ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang (Hải Dương) vào sáng 14/11/2009, nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2009)
Như mất một người thân
18 giờ 5 ngày 19/7, ông Nguyễn Xuân Chiện, 50 tuổi Đảng, 77 năm tuổi đời ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, trong lòng ông dâng lên một niềm tiếc thương vô hạn đối với người đồng chí kính yêu. “Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật của tạo hóa, không ai tránh được nhưng lúc nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, nhiều người nghẹn ngào rơi nước mắt. Trong tâm tưởng của tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản xuất sắc và là người lãnh đạo Đảng, Nhà nước tài ba, có tâm, có tầm, tư duy chiến lược và tầm nhìn rất xa”, ông Chiện xúc động nói.
Ông Phạm Quang Học cùng vợ theo dõi tin tức về sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ông Phạm Quang Học, sinh năm 1950 ở thị trấn Nam Sách cho biết khi được nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần từ một người thân đã rất xúc động: “Tôi cảm nhận được sự mất mát không chỉ của riêng mình. Dù chưa một lần được may mắn gặp Tổng Bí thư nhưng qua mỗi bài phát biểu, từng cuốn sách của đồng chí tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Ông Bùi Quang Thành 76 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng ở thôn 1, xã Thanh Xá (Thanh Hà) chia sẻ bản thân có nhiều tình cảm đặc biệt đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Thành sinh ngày 14/4/1948 có cùng ngày sinh với đồng chí Tổng Bí thư, được kết nạp vào Đảng cùng thời gian tháng 12/1967 với đồng chí Tổng Bí thư. “Nhiều năm qua, mỗi khi Tổng Bí thư có bài phát biểu quan trọng ở bất cứ hội nghị, buổi gặp gỡ nào hay những chỉ đạo, bài viết về Tổng Bí thư tôi đều đọc, theo dõi rất sâu kĩ. Qua cách chỉ đạo, nói chuyện của Tổng Bí thư tôi cảm nhận được sự thân mật, ân tình, gần gũi của một người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Giờ tuổi cao, chỉ tiếc là tôi không đủ sức khỏe để lên thủ đô Hà Nội đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư”.
Noi theo tấm gương sáng ngời
Đảng viên 70 năm tuổi Đảng Đặng Quốc Bảo ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) cho biết điều ông cảm phục, kính mến ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng là đức tính giản dị, hoà mình với quần chúng, gần gũi, thân thiện, lắng nghe cử tri, nhân dân. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến hết mình đến cuối đời, cả khi sức khoẻ không còn ổn định thì đồng chí vẫn tận tâm, tận lực vì Đảng, vì đất nước. Nhắc tới đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Bảo cho biết sẽ còn mãi sâu đậm lòng kính trọng với người “đốt lò vĩ đại” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đảng viên 70 năm tuổi Đảng Đặng Quốc Bảo (ngoài cùng bên trái) cùng đảng viên trong Chi bộ thôn 1, xã Thanh Xá (Thanh Hà) theo dõi tin tức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ông Bảo xúc động chia sẻ ấn tượng với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!". Những câu nói ấy cho thấy tinh thần kiên định của đồng chí trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Cương, Trưởng Ban Tuyên Huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương, tấm gương sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn nỗ lực, quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trung tá Nguyễn Văn Cương cho rằng với cương vị là người đứng đầu của Đảng, Quân uỷ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quan tâm đến xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong đó, chú trọng về công tác bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội phải đủ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị, theo tinh thần “7 dám”: dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.