“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, mọi việc thành bại đều do công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Đảng ta luôn quan tâm đến việc tạo dựng cái “gốc” vững chãi, để không lung lay trước bão táp, phong ba, để tạo dựng nền tảng cho sự phát triển. Việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng là vô cùng hệ trọng, quyết định đến sự tồn vong của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt, ngày 18/5/2024. Ảnh:TTXVN
Vun “gốc” để tạo dựng vững chắc nền móng
Chúng ta biết rằng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và cán bộ được hình thành rất sớm, được bổ sung, phát triển, hoàn thiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn trong từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và dặn dò cán bộ rằng: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Đặc biệt, Người luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu - thứ “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm, tàn phá đất nước từ bên trong. Người coi vấn đề sử dụng cán bộ là một nội dung căn bản của khoa học và nghệ thuật trong công tác cán bộ của Đảng. Việc dùng đúng người, đúng việc, trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng trí thức, trọng mỗi người có ích cho công việc chung là những vấn đề cốt yếu, mang tính quyết định sự thành bại. Người cũng nêu ra những phương thức cơ bản trong sử dụng cán bộ, đó là: Chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo, giúp đỡ với những chỉ dẫn hết sức ngắn gọn, cụ thể. Đặc biệt, về chỉ đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ đúng với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, có thể thấy rõ rằng việc Bộ Chính trị ban hành 3 quy định liên quan đến công tác cán bộ trong vòng 1 tháng, nhất là 2 quy định 142 và 148 liên quan đến người đứng đầu chính là sự tiếp thu, bước phát triển sáng tạo của Đảng ta về phương thức cơ bản trong sử dụng cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay. Quy định 148 quy định rất cụ thể về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết, đó là: Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân; cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ...
Điều này thể hiện rõ sự “phòng hơn chống”, đỡ gây nguy hại cho tổ chức. Điều này cũng thể hiện rõ rằng, việc chỉnh đốn, uốn nắn những sai phạm trong công tác cán bộ là việc thường xuyên, hết sức bình thường, để có được đội ngũ cán bộ hội tụ đủ tâm, tầm, tài, thực sự là công bộc, đầy tớ của nhân dân. Vì, suy cho cùng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Và việc vun “gốc” để tạo dựng vững chắc nền móng, từng bước hình thành, xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm chất lượng, hội tụ các phẩm chất đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện cụ thể chính là điều kiện cần thiết, quan trọng để công việc thành công. Việc vun “gốc”, vì thế, chính là ngày càng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh và tình hình trong nước cũng như trên thế giới.
Hải Dương luôn chăm lo cho công tác bồi dưỡng cán bộ. Trong ảnh: Cán bộ xã Ứng Hòe (Ninh Giang) trao đổi, xử lý công việc (ảnh tư liệu)
Tăng quyền nhưng không được lạm quyền, vì mục đích cá nhân
Xuyên suốt nội dung 3 Quy định 142, 144 và 148 ra đời trong vòng đúng 1 tháng có thể thấy rõ mục đích, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm thuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trong bối cảnh có những hạn chế, yếu kém về công tác cán bộ, có không ít cán bộ suy thoái tư tưởng, đạo đức cách mạng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lạm dụng quyền lực, thoái hóa biến chất, quan liêu, tham nhũng, vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, việc ban hành các quy định về công tác cán bộ, liên quan tới tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết. Cụ thể, với Quy định 144, việc triển khai cần tiến hành sâu rộng đến chi bộ, nghĩa là đến tất cả hơn 5,3 triệu đảng viên và gần 52.000 tổ chức cơ sở đảng. Đây có thể coi là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, nhắc nhớ mỗi đảng viên, cán bộ cần hiểu biết, quán triệt, thực hiện tốt những chuẩn mực đạo đức cách mạng mà chính mình có nghĩa vụ liên quan. Các chi bộ, tổ chức cơ sở đảng cần tổ chức sinh hoạt chuyên đề một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả.
Với Quy định 142 về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, điều này tạo ra sự minh bạch, công tâm hơn trong công tác cán bộ, đồng thời kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển... Quy định cũng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chọn cấp phó của mình phải trên cơ sở trọng dụng người tài, những người ngay thẳng dám nêu chính kiến, sự phản biện đúng đắn, vì tập thể; những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... Có như thế, việc lựa chọn cán bộ dưới quyền cần công tâm, công khai, vì lợi ích chung, để có được tập thể lãnh đạo tốt, đoàn kết, đủ năng lực, trình độ, uy tín trước tập thể. Tất nhiên, khi được giao quyền, người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu nhân sự, ngay cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ chế độ.
Nghĩa là không thể có việc “hạ cánh an toàn”, “sống chết mặc bay”, vô can về việc giới thiệu nhân sự của mình. Việc gắn chặt trách nhiệm với quyền, nghĩa vụ của người đứng đầu cũng chính là để người lãnh đạo có trách nhiệm cao hơn trong việc kiểm soát cấp dưới của mình, tránh những sai lầm, sai phạm, vi phạm pháp luật. Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh thời gian qua có không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật Đảng vì chịu trách nhiệm khi để cấp dưới của mình vi phạm khuyết điểm, làm sai, làm trái pháp luật, tham nhũng... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước...
Trong khi Quy định 142 tăng quyền cho người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp phó trực tiếp của mình thì Quy định 148 lại tăng quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác, giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Cụ thể, những cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc được giao khiến công việc bị ngưng trệ, gián đoạn sẽ bị người đứng đầu xử lý, tạm đình chỉ công tác, để sự vận hành của bộ máy được trơn tru, thông suốt, bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Điều này cũng có nghĩa người đứng đầu phải dũng cảm, khách quan, công tâm, minh định, không ngại va chạm trong việc thực hiện những quyền được tăng cường. Điều này đúng với cả 2 Quy định 142 và 148, và gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu. Đó chính là việc lựa chọn được người thực tài, đáp ứng tốt nhất vị trí, yêu cầu của công việc; mặt khác cũng chính là việc nhận diện, ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra, làm suy yếu tổ chức, bộ máy Đảng. Tất nhiên, cả 2 quy định này đều nghiêm cấm việc lạm dụng quyền lực được tăng cường, vì mục đích cá nhân mà cục bộ, lợi ích nhóm.
Có thể khẳng định rằng, việc ban hành 3 quy định hết sức quan trọng liên quan đến công tác cán bộ chỉ trong vòng 1 tháng với những nội dung hết sức ngắn gọn, cụ thể, dễ nhớ, dễ triển khai là bước đột phá của Đảng ta, kế thừa nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và cán bộ, phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới. Để kết thúc loạt bài này, một lần nữa cần thiết nhấn mạnh lại rằng, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, luôn tự soi, tự sửa trong mọi giai đoạn cách mạng, những tình huống, bối cảnh cụ thể để vun vén, đắp bồi, dựng xây cái “gốc” vững chãi, để bằng mọi cách tránh những mầm họa dẫn đến sự suy vong của Đảng.