Những dặm dài kháng chiến, những ngày tháng trên chiến trường, những kỷ vật từ Điện Biên vẫn hằng đong đầy kỷ niệm, được cha tôi gìn giữ suốt cuộc đời mình.
Dù thời gian dần lùi xa nhưng tâm hồn tôi và thế hệ hôm nay vẫn được nuôi dưỡng, bồi đắp bằng những câu chuyện kể, bằng những kỷ vật Điện Biên. Ảnh: Tiến Huy
Điện Biên - miền biên viễn xa xôi nơi góc trời Tây Bắc, mảnh đất thơ mộng và trữ tình với những điệu xòe, điệu khắp, với núi đồi nở trắng những mùa hoa ban. Điện Biên còn là mảnh đất của chiến thắng vẻ vang, của mốc son sáng ngời trong lịch sử. Và Điện Biên mãi là những năm tháng rất đỗi tự hào của thế hệ cha tôi - những người lính Vệ quốc đã hành quân qua dặm dài kháng chiến để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...
Những người lính Điện Biên ra đi từ những mái tranh nghèo xác xơ lợp rạ vách đất của những ngôi làng lam lũ vùng chiêm trũng, làng chài ven biển cát trắng hay miền quê trung du đất cày lên sỏi đá. Từ năm 1946, cha tôi sớm hòa mình vào Đoàn Vệ quốc quân đang bừng bừng khí thế trong cuộc kháng chiến chống thực dân, rồi hành quân, đánh trận khắp những chiến trường, từ liên khu 3, liên khu 4, lên Cao - Bắc - Lạng, vòng xuống trung du.... và điểm hẹn cuối cùng là Điện Biên Phủ - chiến thắng vẻ vang nhất của quân và dân ta, làm nên “thiên sử vàng chói lọi”.
Những dặm dài kháng chiến, những ngày tháng trên chiến trường Điện Biên vẫn hằng đong đầy kỷ niệm, được cha tôi gìn giữ suốt cuộc đời mình. Thuở tôi còn nhỏ, cha thường kể lại chuyện chiến đấu xa xưa, như để vơi bớt nỗi nhớ chiến trường, nỗi nhớ đồng đội. Đó là cuộc hành quân từ Việt Bắc, qua sông Lô, sông Thao, vượt đèo Lũng Lô, qua Cò Nòi... Những đêm hành quân dưới mưa rừng tầm tã, qua những dốc trơn, vực thẳm. Đó là những mế chăm nuôi bộ đội từng củ sắn, bắp ngô hay nắm rau rừng Tây Bắc... Đó là “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm” gian khổ... Hồi hộp và hấp dẫn nhất là chuyện công đồn trên ngọn đồi hay lần cha cùng đồng đội xung phong vào đồn bốt giặc trên lòng chảo Mường Thanh… Giọng kể của cha sôi nổi khi nhắc đến những chiến thắng, lúc thì lại trầm buồn, xúc động, khi chợt gợi lại những tháng ngày gian khổ cùng tên những người đồng chí đã hy sinh. Có cảm tưởng những câu chuyện Điện Biên của cha tôi không vơi cạn bao giờ...
Tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ vật Điện Biên được cha hằng gìn giữ. Đó là chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cùng những huân, huy chương được cất trong chiếc rương nhỏ, thỉnh thoảng cha lại mang ra lau chùi, rồi ngồi lặng ngắm. Chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” hình tròn, nhỏ bằng hai đầu ngón tay, chạm trổ hình ảnh anh bộ đội giương súng trong tư thế xung phong bên khẩu pháo, phía trên là lá cờ màu đỏ “Quyết chiến quyết thắng”, phía sau là những viền núi; nền huy hiệu xung quanh là màu vàng tượng trưng cho cánh đồng lúa chín no ấm Mường Thanh... Đó là tấm áo trấn thủ đã bạc màu với những đường chỉ đan chéo nhau, tạo thành những ô vải hình thoi đều đặn. Những năm khó khăn, cha thường lấy tấm áo trấn thủ ấy cho mấy chị em tôi thay nhau mặc qua những mùa đông giá rét. Đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm nhận thấy hơi ấm thời thanh xuân của cha, hơi ấm của lớp bông mỏng thấm bao mồ hôi gian khó của cuộc đời anh Vệ quốc. Một kỷ vật Điện Biên khác của cha mà tôi được gắn bó trong những năm tháng tuổi thơ, đó là tấm dù chiến lợi phẩm. Cha xé tấm dù thành bốn chiếc khăn nhỏ, cho chị em tôi quàng cổ đi đến trường qua những mùa đông. Những chiếc khăn dù ấy mỏng và nhẹ, rất gọn gàng tiện lợi và ấm áp vô cùng...
Cha tôi - người lính Điện Biên đã về miền mây trắng hai mươi hai năm rồi, song những ký ức oanh liệt và hào hùng vẫn còn sống mãi; những kỷ vật bình dị mà thiêng liêng vẫn được nâng niu, gìn giữ. Dù thời gian dần lùi xa nhưng tâm hồn tôi và thế hệ hôm nay vẫn được nuôi dưỡng, bồi đắp bằng những câu chuyện kể, bằng những kỷ vật Điện Biên, những gian khổ hy sinh cùng chiến công lừng lẫy biết mấy tự hào!