Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Một số kết quả về công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Hai 20/03/2023 15:24

Xem với cỡ chữ
Năm 2022, mặc dù vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, góp phần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động.

 

Hình ảnh: Tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đối với cấp huyện, xã, làng nghề năm 2022

Xác định công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường quản lý công tác ATVSLĐ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người lao động và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Với các hoạt động quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong năm 2022, đã tổ chức in phát 2.500 sách tài liệu, 20.000 tờ rơi, 5.500 áp phích tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất 4 kinh doanh; người lao động và các làng nghề về các chính sách hỗ trợ, chia sẻ rủi ro từ quỹ quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cùng với tuyên truyền, vận động, các cấp, các ngành và doanh nghiệp tăng cường đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động. Năm 2022, đã tổ chức 08 lớp tập huấn từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp tới hơn 400 doanh nghiệp với số lượng tham dự của gần 600 người là người sử dụng lao động; cán bộ hành chính nhân sự, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tổ chức 03 lớp tập huấn với 150 học viên giúp nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho cán bộ cấp huyện, cán bộ các xã, phường, thị trấn; trưởng các khu dân cư có làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thực hiện hỗ trợ, rà soát, tư vấn kiến thức, các biện pháp ATVSLĐ trực tiếp tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề có nhiều nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động. Ngoài ra, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải hàng trăm tin, bài, phóng sự liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Các hoạt động dịch vụ về an toàn vệ sinh lao động như huấn luyện an toàn lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động … ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và được quản lý ngày càng chặt chẽ góp phần đảm bảo các điều kiện an toàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 đơn vị được cấp phép hoạt động huấn luyện ATVSLĐ, 04 đơn vị được công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động. Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, thanh tra, kiểm tra, đã đôn đốc các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho đầy đủ người lao động. Các sai phạm trong hoạt động dịch vụ ATVSLĐ được xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi vi phạm. Năm 2022 đã huấn luyện ATVSLĐ miễn phí cho 395 người lao động từ ngân sách nhà nước. Theo số liệu báo cáo định kỳ của 355 doanh nghiệp sử dụng khoảng 198.000 lao động, năm 2022, các doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 126.800 người lao động; thực hiện kiểm định 2.780 máy, 5 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho 96.800 người lao động theo quy định.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động, xử lý vi phạm hành chính luôn được quan tâm thực hiện. Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Y tế  đã thực hiện thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động tại 21 doanh nghiệp, trong đó có 07 cuộc thanh tra, 14 cuộc kiểm tra. Thực hiện 05 cuộc điều tra tai nạn lao động chết người phát sinh trong năm 2022. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động, các đoàn đã chỉ ra các nội dung còn thiếu sót, những nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, đưa ra các kiến nghị, hướng dẫn để người sử dụng lao động và cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện theo quy định. Trong năm 2022, đã thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với 04 tổ chức vi phạm với tổng số 07 hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, với tổng số tiền xử phạt là 80 triệu đồng. Nhờ đó, trong năm 2022 tình hình tai nạn lao động chết người trên địa bàn tỉnh có sự giảm mạnh cả về số vụ và số người chết so với năm 2021 (tính cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Năm 2022, có 10 vụ tai nạn lao động chết người, giảm 19 vụ, giảm 65,52% và có 10 người chết, giảm 22 người, giảm 68,75%.

Hình ảnh: Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn lao động

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra các vụ tai nạn lao động nặng, chết người tại một số doanh nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động, tai nạn tại một số công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhà dân, làng nghề trong khu vực không có hợp đồng lao động. Đối tượng người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động thiếu các kiến thức, kỹ năng làm việc đảm bảo an toàn lao động và các phương tiện bảo vệ cá nhân cần thiết. Việc lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai còn rất hạn chế. Còn có các doanh nghiệp, cơ sở chưa bố trí đủ cán bộ phụ trách ATVSLĐ đủ năng lực, trình độ chuyên môn dẫn đến công tác tham mưu tại cơ sở còn chưa kịp thời; chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ của người sử dụng lao động về công tác ATVSLĐ. Tỷ lệ các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động còn chưa cao. Chưa có các tổ chức, cá nhân đề nghị chính sách hỗ trợ theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP; Nghị định 88/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chưa có nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động

Trong thời gian tới, để nâng cao công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nghiêm túc triển khai thực hiện Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động tại, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục về ATVSLĐ cho người lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh phân công trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn; đồng thời tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ hằng năm đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ của chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATVSLĐ để xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng. Nâng cao công tác nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đối với vấn đề an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định…

Trần Hà

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: