Cuối tháng 8 vừa rồi, Thượng úy, QNCN Trần Xuân Thi, Nhân viên Quân y Ban CHQS huyện Tứ Kỳ chia tay người thân để cùng các đồng đội vào thành phố (TP) Hồ Chí Minh chống dịch. Nhìn các con thơ đang say giấc, trong lòng anh Thi có lúc thấy âu lo vì nơi anh sắp đến đang là tâm dịch Covid-19 của cả nước. Nhưng bằng trách nhiệm và bản lĩnh của người lính quân y, anh đã kìm nén cảm xúc lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Thi cùng đồng đội được thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu tặng hoa, động viên trước lúc lên đường vào tâm dịch
Tới TP Hồ Chí Minh, anh Thi được phân công về Trạm vệ tinh 115 dã chiến khu vực Bình Chánh thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 trên đường số 6, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Khi mới vào đến Trung tâm, anh Thi và các đồng đội được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn. Do yêu của công tác phòng chống dịch nên thời gian tập huấn chỉ vỏn vẹn một ngày và tập trung vào một số nội dung công việc chính. Anh Thi cho biết: “Nhìn đoàn xe cứu thương rú còi ra vào Trung tâm liên tục chúng tôi hiểu tính cấp bách của nhiệm vụ mình sắp đảm nhiệm. Vì vậy anh em chủ động học hỏi, tự bồi dưỡng chuyên môn cho nhau để có thể bắt nhịp ngay với công việc ở đây”.
Sau thời gian tập huấn ngắn ngủi, anh Thi được giao nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển các ca bệnh F0 trên địa bàn huyện Bình Chánh, Nhà Bè và quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đến các cơ sở y tế. Qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi, chia sẻ về công việc của mình trong vùng tâm dịch, anh Thi cho biết: “ Bất kể ngày đêm, cứ người dân gọi là chúng tôi lên đường. Các bệnh nhân phần lớn có triệu chứng nặng nên khi tiếp xúc chúng tôi phải tiến hành khẩn trương các biện pháp sơ, cấp cứu ban đầu, đo huyết áp, nhịp tim, kiểm tra nồng độ ô xi trong máu... Trên cơ sở mức độ nặng nhẹ khác nhau, chúng tôi phân loại sau đó đưa bệnh nhân lên các tuyến điều trị phù hợp”.
Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân F0, nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao nhưng anh Thi chưa bao giờ đắn đo, tính toán và hối hận vì quyết định viết đơn tình nguyện vào miền Nam chống dịch. Ngược lại, anh còn cảm thấy tự hào vì mình đã đóng góp được một phần công sức vào cuộc chiến chống lại đại dịch, bảo vệ cuộc sống của người dân. “Hơn 2 tháng làm nhiệm vụ tôi đã chứng kiến nhiều gia đình mất người thân do mắc Covid-19. Những lúc đó tôi chỉ mong mình có thể giúp đỡ, cứu chữa được nhiều người hơn nữa. Tôi nghĩ, hơn bao giờ hết, đây là lúc nhân dân đang cần mình…”- Anh Thi xúc động chia sẻ.
Xót xa khi phải chứng kiến những nỗi đau ly biệt, nhưng anh Thi cũng rất hạnh phúc mỗi khi có mặt cấp cứu kịp thời, dành lại sự sống cho các bệnh nhân. Những lời cảm ơn của người nhà bệnh nhân, sự quan tâm, động viên của đồng đội đã tiếp thêm động lực để anh làm tốt nhất công việc của mình. Trung bình mỗi ngày anh Thi và các thành viên trong kíp trực tham gia cấp cứu, vận chuyển khoảng 3 đến 6 bệnh nhân đến các cơ sở y tế điều trị. Công việc bận rộn liên tục nên anh thường xuyên phải mang trên mình bộ trang phục bảo hộ y tế ngột ngạt, nóng bức. Các thiết bị máy móc, dụng cụ y tế như máy điện tim, bình ô xi, dịch truyền, thuốc men luôn được anh chuẩn bị sẵn để có thể đến với người bệnh sớm nhất. Quân số ít, bệnh nhân đông nên có thời điểm chỉ mình anh Thi cùng với lái xe đi làm nhiệm vụ.
Công việc bắt đầu từ sáng sớm đến tận tối muộn, thậm trí có hôm thâu đêm, nên anh Thi không có thời gian gọi điện về hỏi thăm sức khỏe vợ và các con. Phần lớn các cuộc điện thoại về nhà của anh là khi các con đã ngon giấc. Anh Thi tâm sự: “Có hôm nhớ các con quá, tôi hẹn vợ tối về nói chuyện với con, nhưng công việc đột xuất nên lúc xong thì đã nửa đêm. Thương vợ, nhớ con nhưng vì nhiệm vụ cũng chỉ biết động viên vợ cố gắng chăm sóc các con chu đáo”.
Vợ chồng anh Thi có hai con còn nhỏ, cháu bé học lớp 3, cháu lớn học lớp 5. Trước khi vào Nam chống dịch, công việc gia đình do vợ chồng cùng nhau sẻ chia, gánh vác. Từ khi vắng anh, mọi việc đổ dồn lên vai người vợ trẻ. Vợ anh Thi công việc bận rộn nên vợ chồng anh thường xuyên phải nhờ ông bà nội ngoại sang chăm sóc các cháu. Sự giúp đỡ của người thân giúp anh Thi thêm yên tâm thực hiện nhiệm vụ xa nhà.
Bệnh nhân Lê Văn Tính 60 tuổi ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh được anh Thi khám, xử lý ban đầu, cho thở oxy trước khi chuyển đến bệnh viện
Nhận xét về Thượng úy, QNCN Trần Xuân Thi, Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tứ Kỳ cho biết, đồng chí Thi là người có chuyên môn tốt, luôn hoàn thành công việc chỉ huy các cấp giao. Trong cuộc sống, đồng chí Thi rất gương mẫu, sống vui vẻ, hòa đồng, nhiệt tình giúp đỡ đồng đội, được cấp trên ghi nhận, đồng đội tin yêu, quý trọng. Thời gian trước khi vào TP Hồ CHí Minh chống dịch, đồng chí Thi cũng rất tích cực tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.