Ngày 30/9/2021, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao tình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là một trong những đề án quan trọng để triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII
Hải Dương là địa phương “sở hữu” tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với trên 3.199 di tích, trong đó 4 di tích, cụm và quần thể di tích quốc gia đặc biệt,142 di tích quốc gia và 244 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó là hệ thống sản phẩm du lịch được hình thành với những sản phẩm du lịch tiềm năng, đặc sắc rất cần được chú trọng, phát huy, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu Đề án đã đề ra. Cụ thể như:
Du khách xem múa Rối nước ở Hồng Phong (Nguồn Internet)
Múa Rối nước Hồng Phong (huyện Ninh Giang): Đây được xem là một trong những cái “nôi” của nghệ thuật rối nước độc đáo và nổi tiếng của Việt Nam được hình thành từ cuối thế kỷ XVII (hậu Lê). Có thể nói: Rối nước Hồng Phong (huyện Ninh Giang) cùng với phường rối Thanh Hải (Thanh Hà), Bùi Thượng (Gia Lộc) được xem là điểm tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc,nổi trội nhất so với những điểm tài nguyên tương tự trên đất Hải Dương cũng như trong cả nước.
Làng tiến sĩ Mộ Trạch (huyện Bình Giang) : Truyền thống hiếu học là một tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng trong đó nổi bật là làng Mộ Trạch nơi có tới có 39 người được phong tiến sĩ và làng Mộ Trạch được tôn vinh là “Lò Tiến sĩ Xứ Đông” của nước ta. Cùng với làng Tiến sĩ Mộ Trạch, Văn Miếu Mao Điền - Trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước dưới thời phong kiến và khu danh thắng Phượng Hoàng nơi có đền thờ và mộ danh nhân Chu Văn An - người thầy tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam tạo thành không gian, tuyến du lịch trọng điểm về tài nguyên du lịch văn hóa khoa cử có giá trị đặc biệt để phát triển sản phẩm du lịch “khuyến học” hấp dẫn khách du lịch đến tham quan tìm hiểu, trải nghiệm và tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Một góc Đảo Cò, Chi Lăng Nam
Đảo Cò (huyện Thanh Miện ): Hệ sinh thái đất ngập nước đồng bằng điển hình ở vùng đồng bằng sông Hồng luôn gắn liền với cánh đồng lúa, lũy tre làng nơi loài cò, vạc,… trú ngụ. Hình ảnh “Con cò - Lũy tre làng” gắn với nền văn minh lúa nước từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa làng quê Việt. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và đô thị hoá nông thôn, hệ sinh thái tiêu biểu này đã mất dần và cho đến nay rất khó để tìm lại. Trong bối cảnh đó, khu vực đảo Cò (xã Chi Lăng Nam) với cảnh quan mang đậm nét đặc trưng khung cảnh làng quê đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là cảnh quan hồ An Dương và hồ Triều Dương mà tiêu biểu là Đảo Cò, bến nước, gốc đa bên chùa Nam hay đền Mẫu, nơi còn bảo tồn được hệ sinh thái làng quê với khoảng 2,4 vạn cá thể cò và vạc được xem là điểm tài nguyên sinh thái tự nhiên còn lại duy nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Các giá trị cảnh quan và sinh thái ở khu vực này là tài nguyên du lịch còn lại duy nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng cần được khai thác để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt của du lịch Hải Dương.
Hồ Thanh Long, hồ Bến Tắm và rừng phong lá đỏ (thành phố Chí Linh): Khu vực này nằm trong không gian linh thiêng, tứ linh hội tụ. Cùng với khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc, hồ Thanh Long, hồ Bến Tắm và chùa Thanh Mai nằm trong không gian linh thiêng được xem là nơi duy nhất ở Hải Dương và vùng đồng bằng sông Hồng hội tụ được “linh khí” giao hoà của trời đất ban tặng, được xem là điểm tài nguyên tự nhiên đặc sắc so với nhiều điểm tài nguyên tương tự ở vùng đồng bằng sông Hồng như hồ suối Mỡ (Bắc Giang), hồ Đồng Mô (Hà Nội), đầm Vân Long (Ninh Bình),... thậm chí vùng trung du như hồ Đầm Vạc, hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), đầm Ao Châu (Phú Thọ)...
Sông Hương (huyện Thanh Hà): K hông chỉ có cảnh quan đẹp, xanh-sạch bởi đôi bờ sông Hương có nhiều vườn cây trái xanh tốt quanh năm mà còn gắn với nhiều di tích lịch sử văn hóa như chùa Minh Khánh, chùa Hào Xá thờ Tam Tổ Trúc Lâm Việt Nam; gắn liền với các trang trại nông sản, đặc biệt là các khu vườn vải thiều nổi tiêng với cây vải tổ có tuổi đời khoảng trên 150 năm tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn,… Chính vì vậy sông Hương được xem là điểm tài nguyên tự nhiên vào loại đặc sắc ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Làng gốm cổ Chu Đậu (huyện Nam Sách): Với hoạ tiết hoa văn trang trí tinh xảo, loại hình phong phú, màu men đa dạng như men trắng vẽ lam, men ngọc, men tam thái.... Chu Đậu được xác định vốn là trung tâm chuyên sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ 15 và ngày nay gốm Chu Đâu vẫn đang nỗ lực, từng bước "tiếp nối tinh hoa văn hóa Việt" để vươn ra thế giới.
Làng chạm khắc gỗ truyền thống Đông Giao (huyện Cẩm Giàng): L àng nghề mộc nổi tiếng trên 300 năm tuổi, nơi sản sinh ra bao thế hệ người thợ chạm khắc - nghệ nhân đã để lại nhiều dấu ấn trong những sản phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo ở công trình xây dựng Kinh thành Huế và nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trong cả nước. Đây là nơi tạo ra nhiều sản phẩm đồ thờ, vật dùng và hàng lưu niệm bằng gỗ không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Văn hóa ẩm thực truyền thống người Xứ Đông (huyện Tứ Kỳ): Đến với Tứ Kỳ, các món ăn chế biến từ rươi từ lâu đã trở nên thân thuộc với người dân địa phương trong tiết trời giao mùa, se lạnh. Còn với những thực khách sành ăn thì chỉ có rươi Tứ Kỳ là thơm ngon hàng đầu và xứng đáng là đặc sản “Kết tinh Trời - Đất” nổi tiếng ở Xứ Đông. Đối với vùng quê Tứ Kỳ, chả rươi là món ăn có thể làm hài lòng cả những vị khách khó chiều nhất. Bên cạnh đó, mắm cáy Tứ Kỳ là loại nước chấm không thể thiếu trong các món ăn dân dã đồng quê, thể hiện văn hóa ẩm thực trong lối sống giản dị hiếu khách của người dân Tứ Kỳ nói riêng và của người Xứ Đông nói chung.
Để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc đặc trưng riêng của địa phương, Hải Dương đã đề ra những định hướng lớn trong thu hút đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết cũng như việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.