Thứ hai, ngày 25/11/2024

UBND tỉnh triển khai xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”

Chủ Nhật 26/09/2021 14:26

Xem với cỡ chữ
Chiều 25/9/2021, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị có liên quan về việc xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”

 

Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để năm 2025 Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đảng hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Việc xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững của tỉnh; đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội, các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Theo xu hướng phát triển của xã hội, việc đào tạo nguồn nhân lực cần bám sát và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đó, nhu cầu lao động chất lượng cao cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ sẽ tăng cao. Và đối với các ngành nghề này, nhóm lao động hướng tới sẽ là những người thợ giỏi, thợ lành nghề.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc xây dựng Đề án cần bám sát vào xu hướng của thị trường lao động, thay đổi phương thức đào tạo của các trường nghề, các trường đại học trên địa bàn tỉnh theo nhu cầu của xã hội. Các trường cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, coi nhu cầu của doanh nghiệp là xu hướng đào tạo trong những năm tới. Đồng chí đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành khẩn trương hoàn tất việc khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, đưa ra dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới để có cơ sở xây dựng Đề án. Việc xây dựng nội dung Đề án cần quan tâm đến mục tiêu theo từng giai đoạn, chú trọng sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu của Đề án cần gắn với phát triển vùng công nghiệp động lực theo đúng định hướng phát triển doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp số. Đề án cần đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó có giải  pháp hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương giai đoạn 2015 - 2020, chỉ rõ các tồn tạ,i hạn chế trong triển khai đề án và đề xuất các giải pháp khắc phục. Trong đó, cần đánh giá thực tế tỉ lệ nhân lực sau đào tạo đáp ứng nhu cầu tại doanh nghiệp, những bất cập trong công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông những năm gần đây, vai trò và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sớm thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc trong triển khai xây dựng Đề án, giao đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo; các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo từng ngành, lĩnh vực tích cực phối hợp để xây dựng và triển khai đề án. Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp để lấy ý kiến về triển khai xây dựng đề án. Cùng với việc xây dựng đề án này, tỉnh cũng đang chỉ đạo nghiên cứu cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực theo xu hướng phát triên của xã hội, với mục tiêu trên địa bàn tỉnh có các trung tâm giáo dục cung cấp nguồn  nhân lực chất lượng cao cho cả nước và hướng tới thị trường lao động khu vực Asean.

VPTU (nguồn Cồng TTĐT tỉnh)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: