Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Giàng tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, không ngừng tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Ảnh minh hoạ
Cuối năm 1944, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cẩm Giàng được thành lập tại thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên gồm 4 đảng viên. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, không khí chuẩn bị kháng chiến diễn ra sôi nổi ở các địa phương trong tỉnh. Thời gian này, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đã có một số Chi bộ Đảng được thành lập và hoạt động như Chi bộ cơ quan huyện, Chi bộ xã Cẩm Vũ, Chi bộ xã Cao An, Chi bộ ghép xã Tuệ Tĩnh… đã lãnh đạo toàn diện các phong trào của quần chúng nhân dân, xây dựng các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh phát triển toàn diện. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trong toàn huyện, được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, ngày 20/7/1946.
Đảng bộ huyện Cẩm Giàng được thành lập, do đồng chí Ngô Thị Sâm làm Bí thư. Đảng bộ huyện ra đời là một tất yếu lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng tại địa phương, mở ra cho phong trào cách mạng huyện nhà những điều kiện phát triển mới. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, nhân dân huyện Cẩm Giàng đã tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc, xây dựng Đảng bộ, củng cố chính quyền và hệ thống chính trị tại địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân tham gia chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, phối hợp với bộ đội chủ lực đã đánh 1.200 trận lớn nhỏ; tiêu diệt, bắt sống và bức hàng 5.900 tên địch; phá huỷ 14 đầu máy và 122 toa xe lửa, hàng chục xe quân sự, súng các loại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Huyện uỷ xác định "Toàn huyện là một pháo đài đánh Mỹ". Với khẩu hiệu hành động "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Đảng bộ, nhân dân huyện Cẩm Giàng đã vượt qua mọi khó khăn, vừa đẩy mạnh sản xuất chi viện cho miền Nam, vừa đánh trả kẻ thù. Trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã có hơn 2.500 người con của quê hương Cẩm Giàng anh dũng hy sinh; hàng ngàn người đã bỏ một phần xương máu trên các chiến trường; không ít người bị nhiễm chất độc da cam - dioxin mang di chứng suốt đời; 218 Bà Mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng"; 07 đơn vị và 02 cá nhân được tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; huyện Cẩm Giàng vinh dự được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại, trong đó có Danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực, cố gắng, Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Giàng đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá và ổn định. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 16,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi - thuỷ sản, giảm tỷ trọng giá trị trồng trọt. Năm 2018, 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Cẩm Giang đạt chuẩn văn minh đô thị, huyện Cẩm Giàng vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa, chùa Giám, đền Bia, Bằng công nhận huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước. Năm 2019, huyện Cẩm Giàng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.
Huyện Cẩm Giàng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp, trong đó có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với 750 doanh nghiệp và hơn 60.000 lao động. Thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, hoạt động quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa được thực hiện tốt. Toàn huyện hiện có 89,7 % làng văn hoá; 88,83% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá; 45/53 trường (đạt 84,9%) đạt chuẩn Quốc gia; 17/17 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Quốc phòng, quân sự địa phương không ngừng được củng cố, tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.
Chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển, trải qua 26 kỳ đại hội, với 4 đảng viên của ngày đầu mới thành lập, đến nay Đảng bộ huyện có 41 tổ chức cơ sở Đảng với 6.235 đảng viên đang sinh hoạt, công tác ở 271 Chi bộ. Đảng bộ huyện luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, nhất là vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở trong lãnh đạo phát triển KT - XH. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khoá XII) về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Giàng tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, không ngừng tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục lãnh đạo nhân dân huyện nhà đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng huyện Cẩm Giàng phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, năm 2030 trở thành thị xã.