Thứ ba, ngày 26/11/2024

Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 01/7/2021

Thứ Ba 06/07/2021 07:50

Xem với cỡ chữ
Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể chế rõ chủ trương ưu tiên chăm sóc, dành tối đa nguồn lực để nâng cao hơn nữa đời sống người có công với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 được thông qua với nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho người có công và thân nhân. Pháp lệnh gồm gồm 7 chương và 58 điều. Pháp lệnh đã bổ sung 2 chương mới là: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”. Bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn của Pháp lệnh, Nghị định và các Thông tư hiện hành. Pháp lệnh cũng nêu rõ nội dung về đối tượng áp dụng, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, chế độ ưu đãi đối thân nhân và người có liên quan với người có công với cách mạng.

Một số nội dung lớn đáng chú ý là: Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân như: Người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng trong Pháp lệnh. Theo đó, từng đối tượng và người có công được hưởng chế độ ưu đãi gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và chế độ ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, hỗ trợ cải thiện nhà, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi để kinh doanh, miễn giảm thuế…

Đ ồng thời xác định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; quy định chế độ trợ cấp mai táng; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác; quy định mức trợ cấp hàng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, đảm bảo Bà mẹ Việt Nam anh hùng có điều kiện sống tốt hơn.

Pháp lệnh quy định và làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng: (1) Khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; (2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng; (3) Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; (4) Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng để vi phạm pháp luật.

Nhằm triển khai thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 kịp thời, thống nhất, hiệu quả trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1730/KH-UBND ngày 18/5/2021 xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phân công nhiệm vụ các ngành trong triển khai thực hiện.

Kế hoạch xác định cần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng; huy động các nguồn lực xã hội thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa cùng với nhà nước để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Yêu cầu việc triển khai phải kịp thời, chính xác đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh kể từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Phạm Thị Hoài, VPTU (Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: