Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng ở làng Sen (hay làng Kim Liên), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm hun đúc ý chí mãnh liệt và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước; giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.
Bến Nhà rồng - nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước (ảnh Internet)
Cách đây vừa tròn 110 năm, ngày 05/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran La-tu-sơ Tơ-rê-vin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác-xây (Pháp). Với hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực tế lịch sử đã chứng minh sự lựa chọn đó là sự lựa chọn lịch sử, sự lựa chọn duy nhất đúng, không thể có sự lựa chọn thứ hai.
Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử của Bác (ảnh Internet)
Ngày 5/1/1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: "Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", "là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn". Vì thế mà "ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do"... Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/946 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Quốc hội khóa I (1946-1960) ra đời gồm 403 đại biểu. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ kính yêu trong công tác bầu cử, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền cùa dân, do dân và vì dân; toàn Đảng, toàn dân quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đáp ứng với yêu cầu xây dựng một Chính phủ và chính quyền các cấp liêm chính, đổi mới, hành động và phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
Toàn dân hướng tới ngày hội non sông 23/5 (Ảnh Internet)
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, ngày Chủ Nhật - 23/5/2021, trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Mỗi cử tri cần tự mình tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu cần thiết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng ứng cử viên và số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử, cân nhắc, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.