Mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn song công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh Hải Dương quan tâm, chú trọng. Gia đoạn 2016-2020, tỉnh đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả để công tác an sinh xã hội được đảm bảo tốt hơn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và góp phần đưa kinh tế - xã hội tăng trưởng toàn diện và bền vững
Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc tại Hải Dương (Nguồn Internet)
Theo Sở Lao động, Thương binh xã Xã hội tỉnh: Giai đoạn 2016-2020, Hải Dương đã giải quyết cho 6.197 đối tượng hưởng trợ cấp một lần, 2.358 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng; mức trợ cấp năm 2020 tăng 23,1% so với năm 2015; thực hiện chế độ điều dưỡng cho 59.453 lượt người có công và thân nhân; hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 6.896 căn nhà cho người có công với tổng kinh phí là 181.152 triệu đồng; hỗ trợ ưu đãi giáo dục và đào tạo cho 204 học sinh, sinh viên; 100% người có công được cấp và hưởng chế độ bảo hiểm y tế; tổ chức tốt các hoạt động tri ân, thăm hỏi tặng quà tới các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng nhân dịp 27/7, Tết Nguyên Đán; huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 7,831 tỷ đồng để hỗ trợ cho các gia đình chính sách gặp khó khăn; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống) được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; quan tâm sửa chữa, tu bổ, cải tạo Đền, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng.
Đ/c Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà mẹ liệt sỹ Trần Thị Vẻ tại huyện Nam Sách (Nguồn Internet)
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao mức sống chung của nhân dân, Hải Dương triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,19% (tương ứng với 40.348 hộ) năm 2016 xuống còn 1,36% (tương ứng với 8.858 hộ) năm 2020, trung bình mỗi năm giảm 1,17% tỷ lệ hộ nghèo. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách kịp thời và được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin và các nguồn vốn vay kịp thời; hỗ trợ sửa chữa, xây mới, nâng cấp nhà ở cho 845 hộ nghèo với tổng kinh phí 4.225 triệu đồng.
Hải Dương đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình giải quyết việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 35.000 lao động, xuất khẩu lao động được trên 4.500 người; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động được thực hiện thường xuyên; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Cùng với đó, hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú và được triển khai đồng bộ với nhiều loại hình. Lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc ngày càng tăng, năm 2020 số lao động tham gia BHXH trên địa bàn toàn tỉnh là 390.606 người ( tăng 152% so với năm 2015 ), đạt tỷ lệ 40,89% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia. Chính sách bảo hiểm y tế, BHTN được quan tâm thực hiện tốt.
Không chỉ tập trung xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, tỉnh cũng không ngừng hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công; mở rộng hơn về quy mô, đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất; thực hiện cơ bản đầy đủ, chính xác, kịp thời các chế độ, chính sách của Trung ương, tỉnh đối với người cao tuổi; duy trì thường xuyên và thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng, động viên nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi trên địa bàn.
Bước sang giai đoạn chiến lược mới, Hải Dương tiếp tục coi bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nhiệm vụ chủ yếu thường xuyên. Tỉnh quyết tâm hoàn thành cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội bởi đây chính là cơ sở quan trọng để bảo đảm tốt hơn công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, Hải Dương cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Chất lượng và cơ cấu lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, việc gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa hiệu quả; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH chưa cao, số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt thấp; một số chính sách hỗ trợ còn chậm, như chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, chính sách hỗ trợ nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân…; các mô hình cung cấp dịch vụ xã hội chưa được phát triển; cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng của tỉnh xuống cấp, lạc hậu… chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương cho các nhóm đối tượng còn hạn chế, chưa được quan tâm mở rộng; . … Xác định rõ những khó khăn trên, Hải Dương đã và đang phát huy thành quả và những kinh nghiệm tốt đã đạt được, khắc phục những yếu kém bất cập, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống chính sách đảm bảo an sinh xã hội đồng bộ, hiệu quả.