Ngày 26/3/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Chương trình hành động số 02-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Nghị quyết đánh giá về xu thế và những tác động của chuyển đổi số đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; tình hình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết nêu rõ quan điểm của tỉnh đó là: Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh; trong đó, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.
Theo mục tiêu đề ra, phấn đấu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thực sự trở thành động lực quan trọng, quyết định thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Trong đó đề ra các chỉ tiêu cụ thể về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số; thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn cơ bản xây dựng là đô thị thông minh. Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 30% GRDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 10%; phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp công nghệ số; thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn là đô thị thông minh, mỗi huyện có ít nhất 1 đô thị thông minh
Để thực hiện được mục tiêu đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương; xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số, xây dựng các đô thị thông minh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và ưu tiên kinh phí từ nguồn ngân sách và huy động các nguồn đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng để đầu tư phát triển chuyển đổi số.
Để chuyển đổi số thành công, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định cần có sự phối hợp đồng bộ, liên thông, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trước hết phải có sự đổi mới tư duy, nhận thức, nắm bắt kịp thời và tận dụng có hiệu quả cơ hội do chuyển đổi số mang lại; đồng thời chủ động, quyết liệt, sáng tạo khi tiến hành chuyển đổi số nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần bám sát chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhiệm vụ của mình để thực hiện chuyển đổi số với bước đi và lộ trình phù hợp. Căn cứ vào nguồn lực và mục tiêu phát triển cần lựa chọn một số lĩnh vực, nhiệm vụ cần ưu tiên chuyển đổi số, từ đó rút kinh nghiệm và tiến hành chuyển đổi số sâu rộng trong toàn xã hội.
Xem toàn văn của Nghị quyết tại đây