Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa ban hành Công văn số 4353/UBND-VP ngày 15/11/2024 về việc tăng cường công tác quy hoạch, quản lý hạ tầng, nâng cao chất lượng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ảnh minh họa
Hiện nay, cơ sở hạ tầng viễn thông (sau đây gọi tắt là hạ tầng viễn thông) trên địa bàn tỉnh được xây dựng và phát triển rộng khắp, ứng dụng công nghệ hiện đại (4G,5G,..) đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, bảo đảm an ninh quốc phòng, phục vụ đắc lực công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác quy hoạch và triển khai hoạt động xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông còn nhiều bất cập, khó khăn; một số địa phương xảy ra tình trạng người dân chưa đồng thuận, phản đối việc xây dựng các trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS); các trạm BTS đầu tư riêng rẽ, trùng lặp vị trí, dây cáp viễn thông treo trên cột giăng mắc kiểu “mạng nhện” gây lãng phí trong đầu tư, mất mỹ quan đô thị, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông,... Nguyên nhân của các hạn chế này là do các doanh nghiệp viễn thông thiếu sự phối hợp, chưa coi trọng phát triển bền vững; nhận thức chưa đầy đủ về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông; công tác phối hợp thực thi pháp luật giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết.
Nhằm tăng cường công tác quy hoạch, quản lý hệ thống cáp viễn thông theo đúng các quy định, đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị và đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin liên lạc của người dân và thực hiện tốt các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông về hạ tầng thông tin và truyền thông; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Viễn thông năm 2023; Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 09/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và các văn bản quy định có liên quan. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động của tỉnh nói chung và triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G nói riêng, cải thiện rõ rệt trải nghiệm sử dụng dịch vụ của người dùng (cá nhân, doanh nghiệp), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số trên địa bàn tỉnh.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải được ưu tiên phát triển và ưu tiên sử dụng chung với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác, bảo đảm thuận tiện cho việc sửa chữa, bảo dưỡng và bảo vệ công trình, đồng thời, phải đồng bộ, bảo đảm mỹ quan đô thị. Quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế chuyên biệt,… phải bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để thống nhất trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông; khi có kế hoạch giải tỏa, di dời, sửa chữa, xây dựng mới các tuyến đường phải chủ động thông báo và có các biện pháp phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng và phát triển hạ tầng mạng viễn thông.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan, căn cứ các quy định hiện hành, nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo Luật Viễn thông năm 2023. Chủ trì tổ chức hiệp thương giá đối với giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Nhà nước về hiệp thương giá. Xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng viễn thông kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu các ngành giao thông, xây dựng, công thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh,… các huyện, thị xã, thành phố để thống nhất và chia sẻ trong công tác quản lý nhà nước. Chỉ đạo và thông báo cho các đơn vị (là chủ tài sản cáp viễn thông) bố trí kinh phí và phối hợp với Công ty Điện lực Hải Dương để thực hiện công tác chỉnh trang, bó gọn các tuyến cáp thông tin nhằm đảm bảo mỹ quan trong các khu đô thị. Định kỳ hằng năm tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Sở Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn đưa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông vào các quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500 đối với quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư... Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư lập Quy hoạch rà soát nội dung quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư... đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình xem xét, đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo đồng bộ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông theo quy hoạch nhằm đảm bảo liên kết giữa hạ tầng giao thông và hạ tầng viễn thông. Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông thủ tục xây dựng các trạm BTS trong phạm vi đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông. Thường xuyên trao đổi, thông báo và cung cấp thông tin về kế hoạch phát triển, sửa chữa, nâng cấp các tuyến giao thông trên địa bàn cho Sở thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông.
Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Điện lực Hải Dương phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khi treo cáp viễn thông chung với cột điện phải đảm bảo khoảng cách an toàn điện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và đặc biệt là mỹ quan trong các khu đô thị. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn thực hiện thủ tục pháp lý về đất đai; tham mưu UBND tỉnh chủ trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông....