Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Thành Đông lịch sử - TP Hải Dương anh hùng

Thứ Sáu 18/10/2024 08:29

Xem với cỡ chữ
Kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông (1804-2024) và 70 năm giải phóng thành phố là dấu mốc quan trọng để nhìn lại truyền thống anh dũng, vẻ vang của TP Hải Dương qua từng thời kỳ, chặng đường lịch sử gian khó mà hào hùng.

thanh-pho-hai-duong.jpg

TP Hải Dương đang quyết tâm, nỗ lực trở thành thành phố đáng sống

Truyền thống hào hùng

Ngược dòng lịch sử, vào thời Lê, lỵ sở Hải Dương là thành Vạn (TP Chí Linh), sau rời về Mao Điền (Cẩm Giàng), rồi chuyển tới trấn Hàn. Trấn Hàn khi ấy là ngã ba sông Hàn Giang và Kẻ Sặt thuộc địa phận làng Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao. Tại đây, năm 1804 nhà Nguyễn đã xây dựng một thành kiên cố lấy tên là Thành Đông, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển TP Hải Dương ngày nay.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, Thành Đông không ngừng được củng cố và phát triển. Từ một trung tâm quân sự - hành chính của triều đại nhà Nguyễn, Thành Đông vươn mình mạnh mẽ thành đô thị loại I, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Hải Dương. Hơn hai thế kỷ qua, Thành Đông xưa – TP Hải Dương nay luôn mang tinh thần quật khởi trong đấu tranh và ý chí vươn lên mạnh mẽ, khát khao phát triển.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, nơi đây sớm trở thành cái nôi của phong trào cách mạng. Tháng 8/1938, Chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã được thành lập tại số 17 phố Đông Môn. Từ hạt nhân này đã dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ và rộng khắp của quần chúng như mít tinh, diễu hành, biểu dương lực lượng, phá kho thóc của Nhật. Đỉnh cao là khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã vào ngày 17/8/1945.

Năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân thị xã Hải Dương anh dũng đứng lên và lập nhiều chiến công vang dội. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra tại Nhà Nông phố, Nhà máy Chai và Trường Con Gái…

Quân và dân thị xã Hải Dương đã đồng lòng đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt bốt, phá tề, phục kích, chặn đường chi viện, tiếp tế của địch, tiêu diệt, bắt sống gần 3.500 tên địch. Phá hủy hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh, ghi dấu ấn “Tiếng sấm đường 5” và góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày 30/10/1954, thị xã Hải Dương được hoàn toàn giải phóng. Từ đây, trang sử mới được mở ra, thị xã cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, khôi phục và phát triển kinh tế.

bi-thu-thanh-uy-hai-duong.jpg

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long (thứ ba từ trái sang) kiểm tra, động viên sản xuất tại Công ty CP Hoàng Giang

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thị xã Hải Dương có vị trí chiến lược quan trọng, là đầu mối giao thông huyết mạch, nối liền Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng và các tỉnh trong vùng. Nhiều địa điểm như cầu Phú Lương, Nhà máy Đá Mài, Nhà máy Sứ, Ga Hải Dương… trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ.

Quân dân thị xã đã anh dũng, kiên cường, vững vàng trong mưa bom, bão đạn, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường, vừa dốc sức người, sức của chi viện cho các mặt trận, vì miền Nam ruột thịt. Quân và dân thị xã Hải Dương đã cùng cả nước viết nên bản anh hùng ca đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với kết thúc thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975.

Ghi nhận những chiến công và sự đóng góp to lớn đó của nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang thị xã Hải Dương, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. TP Hải Dương cũng đã rất vinh dự được đón Bác về thăm. Ghi nhớ lời Bác dạy “Phải cố gắng tiến bộ”, Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, lao động cần cù, sáng tạo dựng xây thành phố, góp phần xây dựng đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Vững bước đi lên

Khi nước nhà độc lập, với truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tinh thần lao động cần cù, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân TP Hải Dương đã đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1997, thị xã Hải Dương trở thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh và được Chính phủ quyết định thành lập thành phố. Phát huy truyền thống của các thế hệ cha ông, Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác quản lý và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, mở rộng không gian thành phố.

Sau 12 năm phấn đấu, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hải Dương là đô thị loại II. Ngày 30/10/2014, nhân kỷ niệm 210 năm khởi lập Thành Đông, 60 năm ngày giải phóng thành phố, TP Hải Dương vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì.

Năm 2019, thành phố được công nhận là đô thị loại I đã mở ra bước ngoặt lớn trong tiến trình xây dựng và phát triển. Với vị thế mới, thời cơ mới, TP Hải Dương sẽ vững bước đi lên.

bi-thu-thanh-uy-hai-duong.jpg

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long tới thăm, động viên học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Thượng

Sau 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm giải phóng thành phố, Thành Đông xưa, TP Hải Dương nay ngày càng được mở rộng về quy mô, tầm vóc. Từ diện tích 0,35 km2 với khoảng 1.000 người khi xưa, TP Hải Dương nay đã là đô thị loại I có diện tích trên 111 km2, dân số trên 300.000 người với 25 đơn vị hành chính.

Từ Chi bộ Đảng đầu tiên chỉ có 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ thành phố có trên 19.000 đảng viên sinh hoạt ở 69 tổ chức cơ sở đảng. Cán bộ, đảng viên Đảng bộ thành phố luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước và ghi dấu trên tất cả các lĩnh vực để xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định TP Hải Dương là trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2030.

Đại hội Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ XXIII vào tháng 6/2020 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thành phố cơ bản trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn. Để đạt mục tiêu này, trên nền tảng quy hoạch chung đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hải Dương đã nỗ lực không ngừng bằng việc triển khai các đề án, các công trình trọng điểm. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Đồng thời từng bước xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử, chính quyền số… Tất cả đều hướng tới mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, để TP Hải Dương thành nơi đáng sống.

Nhìn lại chặng đường đã qua, khi mới được công nhận là TP Hải Dương vào năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chỉ đạt 200 tỷ đồng thì nay đạt trên 120.000 tỷ đồng, gấp 600 lần. Giá trị sản xuất nông nghiệp là 63 tỷ đồng thì nay đạt 1.400 tỷ, gấp 22 lần. Những năm gần đây, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế trên 14%, cơ cấu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp.

Hiện thành phố có 3 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đều đạt trên 90%, với hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động. Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 2,9 triệu đồng/người/năm, thì nay đạt 80 triệu đồng/người/năm, gấp 28 lần.

Không gian, hạ tầng đô thị của TP Hải Dương không ngừng được đầu tư, phát triển thông qua nhiều dự án xây dựng đô thị mới với diện tích quỹ đất quy hoạch phát triển mới đô thị lên tới 1.200 ha, quỹ đất ở mới gần 400 ha. Trong đó hoàn thành đưa vào sử dụng trên 260 ha đất ở, đáp ứng được nhu cầu phát triển trên 30.000 căn hộ ở thành phố.

Công tác giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, thực chất, với mục tiêu đào tạo, phát triển giáo dục toàn diện về tri thức, thể chất, kỹ năng, đạo đức, lối sống. Cùng với phát triển giáo dục để hướng tới tương lai, thành phố quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Thành Đông xưa-TP Hải Dương nay…

220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm giải phóng thành phố là chặng đường đầy vẻ vang. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương sẽ tiếp tục nêu cao truyền thống anh hùng, tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vững tin vào đường lối đổi mới của Đảng, gương mẫu trong lao động, học tập, công tác, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, dịch vụ của tỉnh, là một trong những đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

LÊ ĐÌNH LONG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương

https://baohaiduong.vn/thanh-dong-lich-su-tp-hai-duong-anh-hung-395823.html

baohaiduong.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: