Sau 01 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có những chuyển biến tích cực, thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Mô hình HTX sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tỉnh Hải Dương đã tích cực quán triệt, triển khai sâu rộng đến cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế như: Chương trình hành động số 64-TTr/TU ngày 17/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; Kế hoạch số 3413/KH-UBND ngày 13/9/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 64-TTr/TU ngày 17/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW... Sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, HTX tỉnh Hải Dương đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều tổ hợp tác, HTX được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Kinh tế hợp tác đã có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm và tăng thu nhập thường xuyên cho người lao động, đóng góp vào Ngân sách Nhà nước, ổn định đời sống của người dân trong tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 524 HTX, 01 Liên hiệp HTX và hơn 800 tổ hợp tác, chỉ tính từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023, đã thành lập mới 20 HTX, nhiều HTX trong tỉnh được rà soát củng cố lại. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX ở tỉnh cơ bản đã được kiện toàn ở tất cả các cấp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tích cực hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể. Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng việc đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong các hoạt động của các HTX đã được các cấp các ngành quan tâm thực hiện; đã kiểm tra, xem xét xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các tổ chức cá nhân vi phạm trong hoạt động của các HTX.
Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX một cách cụ thể, hiệu quả. Tổ chức được 05 lớp tập huấn cán bộ HTX tại huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Nam Sách, Kinh Môn, Tứ Kỳ để nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX; xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch và kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh... Chỉ đạo triển khai hỗ trợ cho 35 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 100% các kế hoạch có sự tham gia của các HTX nông nghiệp, trong đó có 25 HTX nông nghiệp tham gia các thực hiện kế hoạch với vai trò chủ trì liên kết. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoản 19 tỷ đồng.
Thực hiện việc lồng ghép các chương trình hỗ trợ HTX hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các HTX tham gia Đề án. Năm 2022 - 2023, đã có 03 HTX Cẩm Văn, An Thanh và Nam Vũ được hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP; 03 HTX An Thanh, Xuyên Việt, Nam Vũ được hỗ trợ kinh phí thực hiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Có nhiều mô hình HTX được lựa chọn, nhân rộng như: HTX dịch vụ nông nghiệp An Thanh, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ; HTX dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang; HTX sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc; HTX dịch vụ nông nghiệp Cẩm Văn, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng; HTX nông nghiệp sạch Nam Vũ, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà.
Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX tại huyện Tứ Kỳ
Bên cạnh đó, tỉnh đã phối hợp với tổ chức Stichting Agriterra tiếp tục hỗ trợ HTX năm 2023 và những năm tiếp theo; đón tiếp đoàn công tác của Stichting Agriterra làm việc tại HTX Tân Minh Đức huyện Gia Lộc, Hải Dương nhằm trao đổi kinh nghiệm thực tiễn phát triển HTX và thúc đẩy các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa các nước Châu Á để trao đổi, cập nhật, kịp thời điều chỉnh chiến lược hợp tác phù hợp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20 còn có một số hạn chế, khó khăn như: Công tác quản lý nhà nước về KTTT còn nhiều bất cập; việc phân định chức năng quản lý nhà nước ở các cấp hiện nay về KTTT, HTX vẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng, khó khăn cho việc quản lý, theo dõi; sự phối hợp giữa sở, ngành và các địa phương trong tỉnh chưa tốt, nhất là công tác thông tin báo cáo. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của HTX còn nghèo nàn, lạc hậu; nguồn vốn hỗ trợ cho các HTX còn quá ít so với nhu cầu; nhiều HTX năng lực còn yếu kém, sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, thời gian tới các cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng Luật Hợp tác xã năm 2023 tới đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, thành viên HTX, tổ hợp tác... Quan tâm phân bổ nguồn lực để thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể; quan tâm làm tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện giải thể các hợp tác xã hình thức, ngừng hoạt động lâu năm. Có cơ chế khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể phát triển mở rộng quy mô thông qua phát triển tăng thêm thành viên, tăng vốn góp của các thành viên, sáp nhập, liên doanh, liên kết,… để nâng cao năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tập thể.