Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Bài 1- Nỗ lực giữ đà tăng trưởng kinh tế

Thứ Năm 06/07/2023 14:27

Xem với cỡ chữ
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương vẫn vững vàng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025.


Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Hải Dương trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: MAI ANH

LTS: Vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương quyết tâm cao thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, Hải Dương đã đạt được những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Từ số này, báo Hải Dương đăng loạt bài "Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng" phản ánh những kết quả nổi bật ấy.

Vượt khó

Hải Dương bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong điều kiện vô cùng bất lợi, thậm chí có những tình huống chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài khả năng dự báo. Đó là đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề. Khó khăn hơn khi tỉnh là tâm dịch của cả nước trong đợt dịch lần thứ 4. Có thời điểm những mục tiêu, khát vọng phát triển kinh tế phải đặt sau nhiệm vụ ưu tiên cấp bách là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân. Khi mục tiêu “kép” được triển khai hiệu quả, dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì lại phải đối mặt với những áp lực lớn là hệ luỵ của xung đột, lạm phát từ bên ngoài. Trong khi đó, kinh tế của tỉnh có độ mở lớn, xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nên không tránh khỏi tác động tiêu cực vì chuỗi cung ứng gián đoạn. Tình thế này đã đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trước những khó khăn, thách thức, Hải Dương đã chủ động, linh hoạt thực hiện các mục tiêu phát triển. Đặc biệt từ năm 2022 tới nay, nhờ kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và triển khai quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết các ngành, lĩnh vực trở lại hoạt động bình thường. Các ngành kinh tế được cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, gắn với khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành, lĩnh vực và địa phương được chú trọng thực hiện.

Tổng sản phẩn trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân 8,81%/năm, ước giai đoạn 2021-2023 tăng 8,58%/năm (mục tiêu tăng trên 9%/năm). Trong đó, năm 2021 tăng 8,58%, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8 so với cả nước. Năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng cao 9,02%. 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,23% và cả năm ước tăng 8,13%. Quy mô kinh tế (GRDP giá hiện hành) tiếp tục mở rộng, năm 2021 đạt 149.100 tỷ đồng. Năm 2022 đạt 169.200 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2020, đứng thứ 11 cả nước và thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 81,2% năm 2020 lên 82,6% năm 2022, đến cuối năm 2023 ước đạt 83,1%.

Bên cạnh việc tập trung điều hành nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức, Hải Dương còn quan tâm, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021-2025, tổ chức lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, phân kỳ thực hiện giai đoạn 2021-2025. Đây là nền tảng, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Hải Dương phát triển.


Nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Mai Anh

Điểm nhấn từ các ngành

Bắt nhịp xu thế, nhiệm kỳ này, Hải Dương kiên định mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Nhờ vậy, nội bộ các ngành kinh tế của tỉnh tạo được dấu ấn riêng.

Sản xuất nông nghiệp phát huy lợi thế của từng địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nên có sự bứt phá về giá trị. Khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất ngày càng nhiều, là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản từ 40,3% năm 2020 lên 47,6% năm 2022, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp.

Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng chuỗi liên kết nên trong giai đoạn khó khăn, nông nghiệp là điểm tựa, trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân 5,58%/năm, ước giai đoạn 2021-2023 tăng 4,3%/năm (mục tiêu tăng 2,64%/năm). Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản tăng nhanh, từ 167 triệu đồng năm 2020 đến 181,2 triệu đồng năm 2021 và năm 2022 đạt 189,1 triệu đồng. Ước năm 2023 đạt 195 triệu đồng (mục tiêu đến năm 2025 đạt 210 triệu đồng).

Nông nghiệp phát triển tạo nội lực cho kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Hải Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Không bằng lòng với chính mình, tỉnh tiếp tục thực hiện các mục tiêu cao hơn là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mới. Song hành với phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), gây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho từng địa phương. Đến nay toàn tỉnh có 234 sản phẩm OCOP.

Sau đại dịch Covid-19, công nghiệp của tỉnh từng bước phục hồi, có sự chuyển dịch theo định hướng tái cơ cấu. Đó là tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng. Chuyển từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên đất đai. Chuyển dần từ gia công lắp ráp sang chế tạo sản phẩm đồng bộ, có khả năng lan tỏa, hỗ trợ, thúc đẩy hình thành liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, thu hút các dự án vệ tinh khác tiếp tục đầu tư. Chú trọng phát triển công nghiệp xanh và phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực và sản xuất điện tăng trưởng ở mức khá, tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 39,7% năm 2021 lên 41,1% năm 2022 (cả nước năm 2021 là 24,62%, năm 2022 là 24,76%). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân 11,81%/năm, giai đoạn 2021-2023 ước tăng 11,56%/năm.

Do tác động của dịch Covid-19, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề, riêng hoạt động du lịch bị gián đoạn trong giai đoạn 2021-2022 song ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân 4,83%/năm, giai đoạn 2021-2023 ước tăng 5,53%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân 10,91%/năm; giai đoạn 2021-2023 ước tăng 11,4%/năm (mục tiêu tăng 10%/năm). Các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được đặt trong hệ sinh thái chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội…

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Hải Dương đã nỗ lực vượt qua, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ổn định, tạo tiền đề quan trọng để toàn tỉnh quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: