Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Kinh Môn đã có trên 19 nghìn m2 diện tích nhà màng, nhà lưới được xây dựng. Đến nay, hầu hết diện tích nhà màng, nhà lưới đều cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình có mô hình liên kết trồng dưa lưới Nhật Bản công nghệ cao gắn với bao tiêu sản phẩm ở xã Long Xuyên, đã mở ra hướng phát triển mới cho người dân ở địa phương.
Khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Duẩn Khê với quy mô gần 1ha được tỉnh và huyện hỗ trợ 250 nghìn đồng/m2 được xây dựng từ cuối năm 2017 với 9 hộ tham gia sản xuất đã phối hợp Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hải Minh ở thành phố Hải Dương triển khai mô hình liên kết sản xuất Dưa lưới Nhật Bản công nghệ cao gắn với bao tiêu sản phẩm.
Quá trình sản xuất, công ty đã đồng hành cùng với các hộ nông dân từ khâu cung cấp giống, phân bón; hướng dẫn cách chăm sóc, tuyển hoa, chăm sóc quả đến khi thu hoạch. Kết quả, ngay trong vụ đầu sản xuất, diện tích dưa lưới Nhật bản của nông dân đã thắng lớn. Năng suất đạt 1,2 tấn quả/sào, trong đó 98% tỷ lệ quả đảm bảo chất lượng, mẫu mã và trọng lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều đáng mừng là các hộ dân tham gia mô hình không phải lo đầu ra, toàn bộ số dưa được công ty ký hợp đồng, thu mua tại vườn với giá 30 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào dưa thu nhập gần 30 triệu đồng.
Nông dân đang thu hoạch dưa tại thôn Duẩn Khê, xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn
Đây là mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả rõ nét, tạo ra hướng phát triển mới cho địa phương. Đối với người dân không còn bỡ ngỡ sản xuất “nông nghiệp công nghệ cao” hay nỗi lo “được mùa, rớt giá” nên rất phấn khởi, yên tâm gắn bó với đồng ruộng.