Nhiều năm qua, hoạt động ủy thác vốn vay của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã trở thành điểm tựa vững chắc hỗ trợ, giúp đỡ hàng nghìn hội viên phụ nữ nghèo, hội viên thuộc đối tượng chính sách tiếp cận nhanh nhất nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Ngân hàng chính sách xã hội, trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, đặc biệt trong giai đoạn 2015 - 2019.
Ngay sau khi ký kết Văn bản liên tịch số 155/VBLT ngày 23/12/2014 với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai cho các cấp Hội, đồng thời cụ thể hóa nội dung tổ chức thực hiện tốt các nội dung văn bản liên tịch, phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh của Ngân hàng chính sách xã hội và các cấp chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Đến hết năm 2019, dư nợ vốn vay do Hội Phụ nữ các cấp nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội là gần 1.900 tỷ đồng cho gần 47.000 hội viên vay, tăng 586,2 tỷ đồng so với năm 2014. Hội Phụ nữ các cấp thường xuyên nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên, thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn đúng quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 1.441/1.441 tổ tiết kiệm và vay vốn, có hoạt động tiết kiệm.
Điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn dễ dàng
Để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các quy định của ngân hàng về tín dụng cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là về đối tượng vay vốn, phương thức cho vay, điều kiện vay vốn, mức vốn vay, thời hạn, lãi suất cho vay, phương thức trả gốc, lãi và các vấn đề liên quan khác thông qua hình thức như: Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, họp Tổ tiết kiệm và vay vốn, Tổ Phụ nữ và sinh hoạt câu lạc bộ… Từ đó giúp hội viên, phụ nữ nắm được, hiểu đúng về các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, Hội Phụ nữ đã bình xét cho vay đúng đối tượng, hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Ngân hàng chính sách xã hội trong việc tổ chức cho vay cũng như việc thu lãi theo quy định.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay vốn. Hội Phụ nữ các cấp phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội kiểm tra đối chiếu công khai đến 100% thành viên vay vốn. Trong 5 năm cấp tỉnh kiểm tra được 78 lượt huyện/thị xã/thành phố, 148 lượt xã; 445 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn 1.528 hộ vay với với số tiền là 50.703 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện kiểm tra được 1.430 lượt xã/phường/thị trấn, 4.738 tổ tiết kiệm và vay vốn, 19.335 hộ vay vốn với số tiền là 700.548 triệu đồng. Cấp xã/phường/thị trấn kiểm tra được 9.202 tổ tiết kiệm và vay vốn, 80.225 hộ dân với số tiền là 2.583.985 triệu đồng.
Cùng với việc cho phụ nữ vay vốn, các cấp Hội thường xuyên trú trọng đến công tác tập huấn nghiệp vụ tín dụng, nâng cao trình độ quản lý, ghi chép sổ sách theo dõi nguồn vốn cho cán bộ Hội và tổ trưởng tổ vay vốn. 5 năm qua đã kết hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức được 64 lớp cho 3.500 lượt từ tổ trưởng tổ vay vốn đến Ban Chấp hành Hội phụ nữ cơ sở dự. Việc tập huấn thường xuyên đã giúp cán bộ có kiến thức nhất định về quản lý ghi chép sổ sách theo dõi nguồn vốn, hạn chế sai sót, nhầm lẫn.
Trang trại gà của gia đình chị Phạm Thị Tươi, Hội viên chi hội phụ nữ thôn Hoàng Đường, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng
Để giúp phụ nữ sử dụng vốn vay hiệu quả, các cấp Hội kết hợp với phòng nông nghiệp đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp chị em phụ nữ nông thôn biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong 5 năm đó tổ chức 4.012 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 424.686 lượt phụ nữ tham dự, đảm bảo 100% phụ nữ vay vốn được tham gia tập huấn.
Mặt khác, các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ nghèo cũng được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Kết quả, 5 năm cấp Hội đã kết hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm 8/3 và các Trung tâm dạy nghề trên địa bàn của tỉnh tổ chức được 382 lớp học nghề cho 15.722 phụ nữ học về các nghề mây tre đan, mây giang xiên, thêu, móc xuất khẩu, may công nghiệp...
Sau 05 năm chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động uỷ thác, Ngân hàng chính sách xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, chủ động phát huy thế mạnh của từng ngành, thực hiện tốt công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông qua hoạt động uỷ thác vốn cho hộ nghèo vay, đã tạo điều kiện cho các cấp Hội phụ nữ giúp đỡ được gần 10.000 hộ phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và hàng ngàn hộ vươn lên kinh tế khá, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 1,9%.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới các cấp Hội sẽ tiếp tục đồng hành với Ngân hàng chính sách xã hội, chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm, lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác trong toàn hệ thống Hội nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy tối đa, hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế thấp nhất tỷ lệ nợ quá hạn, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo tỉnh đề ra.