Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, đồng chí Phạm Văn Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; tham dự có các thành viên Hội đồng và đơn vị thực hiện Dự án.
Thực hiện kế hoạch Khoa học và công nghệ, từ năm 2017 đến năm 2019, đã triển khai dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất cây rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Mục tiêu nhằm xây dựng mô hình sản xuất cây rau màu (cà rốt, cải bắp, súp lơ) tập trung, đạt năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tạo được mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông sản theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất rau cho người dân và doanh nghiệp tại Hải Dương.
Tiến sỹ, Đào Xuân Cảnh, Phó Viện trưởng, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm báo cáo kết quả dự án
Tỉnh Hải Dương, có truyền thống sản xuất rau vụ đông đứng đầu các tỉnh phía Bắc với diện tích sản xuất cây rau màu hàng năm đạt trên 18.260 ha, năng suất 230,0 tạ/ha, sản lượng đạt trên 410.000 tấn. Trong đó, một số chủng loại rau có diện tích lớn, như: cây cà rốt 1.181 ha, năng suất 338,08 tạ/ha, sản lượng 39.928 tấn; cây cải bắp diện tích 1.770 ha, năng suất 401,2 tạ/ha, sản lượng 71.012 tấn; cây bí xanh là diện tích 706 ha, năng suất 247,98 tạ/ha, sản lượng 17.507 tấn. cây hành 5.489 ha, năng suất 128,22 tạ/ha, sản lượng 70/381tấn và cây khoai tây diện tích 1.021 ha, năng suất 150,3 tạ/ha, sản lượng 15.345tấn...
Một số địa phương có diện tích sản xuất cây cà rốt với diện tích lớn ở xã Đức Chính trên 600 ha (Cẩm Giàng), Nam Sách và Chí Linh khoảng 700 ha.... Giá bán từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, thu nhập bình quân 180-250 triệu đồng/ha, trừ chi phí, còn lãi 80-120 triệu đồng. Sản lượng cà rốt hàng năm tiêu thụ nội địa khoảng 30%, xuất khẩu khoảng 60-70% chủ yêu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malayxia, Đài Loan, Nga...
Cây cải bắp và cây súp lơ được trồng tập trung chủ yếu ở vụ Thu Đông, vụ Đông Xuân tại các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành, Nam Sách. Sản phẩm phần lớn tiêu thụ nội địa tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và miền Nam; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Malayxia...
Đ/c Phạm Văn Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN chủ tịch Hội đồng nghiệm thu
Dự án triển khai xây dựng mô hình tổ chức sản xuất liên kết 4 nhà “Nhà nước: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và UBND xã”, tổ chức quy hoạch vùng sản xuất rau màu tập trung của từng địa phương; thành lập các nhóm hộ nông dân tham gia mô hình; ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. “Nhà Khoa học: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm” chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất, lựa chọn giống, chỉ đạo chỉ đạo kỹ thuật đảm bảo chuỗi sản xuất và bao tiêu sản phẩm. “Nhà Doanh nghiệp” tổ chức xúc tiến thương mại, tìm thị trường bao tiêu sản phẩm; xây dựng kế hoạch thu mua sản phẩm, tiêu chí sản phẩm; ký kết hợp đồng, tổ chức thu mua sản phẩm. “Các hộ nông dân” được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được cán bộ kỹ thuật theo dõi từ gieo hạt giống - trồng - chăm sóc và thu hoạch sản phẩm.
Kết quả triển khai dự án trong 3 năm (2017 – 2019) đã có 12 xã tham gia (Đức Chính, Cẩm Văn, Minh Tân, Thái Tân, Lê Lợi, Gia Xuyên, Phạm Trấn, Gia Lương, Tân Kỳ, Tái Sơn, Đại Đồng và Kim Tân) thuộc 5 huyện (Cẩm Giàng, Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Kim Thành). Với 3 doanh nghiệp có uy tín tham gia hợp tác tiêu thụ sản phẩm rau là Công ty Cổ phần nông sản Hưng Việt, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trần Vinh và Công ty TNHH rau củ quả an toàn Thanh Hà. Quy mô 900,0 ha với 5.299 hộ nông dân tham gia (năm 2017, quy mô 250 ha, gồm: cây cải bắp 100 ha, cây cà rốt 100 ha và cây súp lơ 50 ha; năm 2018, quy mô 300 ha, gồm: cây cà rốt 150 ha, cải bắp 100 ha và cây súp lơ 50 ha; năm 2019, quy mô 350 ha, bao gồm: cây cà rốt 150 ha, cải bắp 100 ha và cây súp lơ 100 ha).
Kết quả xây dựng mô hình cải bắp cho thu nhập 200,5 - 229,65 triệu đồng/ha, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 80,1%; mô hình súp lơ thu nhập 188,93- 199,75 triệu đồng/ha, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 84,49%; mô hình cà rốt thu nhập 236,98 - 267,33 triệu đồng/ha, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đạt 78,28 %. Đối với,doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian thu mua sản phẩm, chi phí quản lý và giảm hao hụt sản phẩm. Dự án đã tạo ra trên 540.000 công lao động nông nghiệp với thu nhập/ngày công lao động khá cao. Góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tự phát của nông dân; sang sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân và Doanh nghiệp tại Hải Dương.