Thứ hai, ngày 25/11/2024

Hải Dương: Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Thứ Sáu 17/04/2020 17:06

Xem với cỡ chữ
Việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống y tế vững mạnh, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ lạc hậu, thủ công sang thay đổi dần bằng tập quán canh tác hiện đại, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm của tỉnh Hải Dương trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

 

  Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi thả thủy sản ở ao nổi ở huyện Tứ Kỳ

Sau khi có công văn hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc ”Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Kế hoạch tổng kết Chỉ thị số 50, yêu cầu các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể, các huyện, thị ủy, thành ủy tổng kết và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã phường thị trấn tiến hành tổng hết và xây dựng báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 50 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 177-KH/TU, ngày 17/2/2020).

Tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động số 42-CTr/TU, ngày 01/7/2005 thực hiện Chỉ thị 50; tổ chức quán triệt Chỉ thị và triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, đúng kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ định hướng nội dung tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 50 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy; xây dựng các văn bản hướng dẫn hệ thống chính trị cùng cấp và hệ thống tuyên giáo cơ sở triển khai thực hiện; triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị 50 bằng nhiều hình thức, như: thông qua các hội nghị giao ban khối báo chí, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền trong các đợt sinh hoạt chính trị, hội thảo chuyên môn, toạ đàm, sinh hoạt chuyên đề; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...; tăng cường công tác phối hợp thường xuyên với Sở Khoa học và Công nghệ giúp cấp ủy quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị, Chương trình hành động đạt hiệu quả.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy, cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn của tỉnh (Kế hoạch số 313/KH-UBND, ngày 24/02/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020). Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh các đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, cụ thể hóa thành các kế hoạch thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh... đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học với mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý trao đổi, thảo luận về vấn đề ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, các trang thông tin điện tử của các đơn vị đã xây dựng các chương trình, chuyên mục, nhiều bài viết về các hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học vào đời sống, sản xuất.

Hoàn thiện cơ chế chính sách - Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học - Phát triển nguồn nhân lực - Hợp tác quốc tế

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích phát triển công nghệ sinh học và tăng cường quản lý công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh. Các cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ nói chung, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học đã được triển khai có hiệu quả, góp phần định hướng cho hoạt động trên toàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tỉnh đặc biệt ưu tiên cho công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ nhân dân; nghiên cứu và nhân rộng một số công nghệ sinh học phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường ở nông thôn. Chỉ đạo từng bước xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, bao gồm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có chuyên môn sâu về công nghệ sinh học để làm việc ở các cơ quan nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các đơn vị nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh như Trung tâm khuyến nông, Công ty TNHH MTV Giống gia súc thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Khảo nghiệm giống thuộc Sở Khoa học và Công nghệ .Tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và triển khai trong và ngoài nước về lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm tiếp nhận kết quả nghiên cứu, triển khai kỹ thuật và công nghệ tiến bộ.

Kết quả phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên 5 lĩnh vực chủ yếu

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo việc ứng dụng các giải pháp khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học đã tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đóng góp thiết thực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn 2005-2020, tỉnh Hải Dương đã ứng dụng, xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất thử, trình diễn; nhân rộng được nhiều giống lúa thuần năng suất, chất lượng, có hiệu quả kinh tế cao; trong đó, có nhiều giống lúa có ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác chọn tạo giống như các giống lúa chuyển gen kháng sâu bệnh (đạo ôn, rầy nâu, bạc lá...), lúa lai có chất lượng, mùi thơm, giống lúa chịu biến đổi khí hậu (chịu ngập, úng...), ngắn ngày phục vụ luân canh tăng vụ. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống đã góp phần bổ sung vào cơ cấu các giống lúa mới có hiệu quả kinh tế của tỉnh, phù hợp với điều kiện sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng đặc biệt tại các huyện sản xuất cây rau màu vụ đông và hướng tới xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo của Hải Dương. Việc tiếp thu, chủ động sản xuất hạt giống lúa đã được quan tâm từ rất sớm ở Hải Dương. Ngay từ năm 2009, tỉnh đã thực hiện Dự án “Áp dụng công nghệ sinh học duy trì giống bố, mẹ để sản xuất hạt giống lúa lai F1 và khảo nghiệm sản xuất thử các giống lúa mới bổ sung vào cơ cấu của tỉnh”. Dự án đã tiếp thu làm chủ được công nghệ duy trì bố, mẹ giống lúa lai 2 dòng, 3 dòng để sản xuất ra giống F1 cung cấp cho sản xuất đại trà của tỉnh như các giống Bắc ưu 903, Bắc ưu 253 (có khả năng chịu ngập úng 13-15 ngày vẫn cho năng suất cao), HYT 83, HYT 100, HYT 103, VL45 (có tính kháng bạc lá cao). Đã có hàng nghìn hộ nông dân của huyện Nam Sách, Bình Giang, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Chí Linh,... tiếp thu công nghệ sản xuất được hàng trăm tấn giống lúa lai F1 và hàng nghìn tấn giống lúa chất lượng, góp phần đưa diện tích lúa lai và lúa chất lượng của tỉnh tăng từ 13,64% năm 2005 (lúa lai 8,1%, lúa chất lượng 5,53%) lên 24,7% năm 2009 (lúa lai 13%, lúa chất lượng 11,7%), đưa năng suất lúa lai đại trà tăng 1,5 tấn lên 2 tấn/ha so với lúa thuần sản xuất đại trà. Các năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục đầu tư thực hiện nhiều đề tài, dự án, trong đó có thực hiện việc chuyển giao sản xuất hạt giống nguyên chủng, hạt F1 đối với nhiều giống lúa nhằm chủ động sản xuất đại trà trên địa bàn tỉnh.

Đối với cây rau màu, cây ăn quả, các giống cây công nghiệp, cây có tinh bột và rau màu ngắn ngày, có hiệu quả kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu như tập đoàn giống đậu tương, lạc, ngô, rau, cà chua, dưa hấu, cà rốt... có năng suất cao, chất lượng tốt được lựa chọn, sản xuất thử và đưa vào sản xuất đại trà, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông xuân, tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ ghép đoạn cành trong nông nghiệp; sử dụng các phân tích đoạn gen để phục tráng thành công nhiều giống cây ăn quả, rau màu trên địa bàn tỉnh như cam chanh Ninh Giang, bưởi đào Thanh Hồng, lạc đỏ 3 nhân. Việc trồng thử nghiệm và đánh giá giống ngô biển đổi gen NK4300BT/GT cho thấy các giống cây trồng biển đổi gen có thể đi vào sản xuất phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi. Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật được ứng dụng từ rất sớm, nhiều giống hoa, cây dược liệu quý đã được nuôi cấy thành công trong phòng thí nghiệm và được chuyển giao sản xuất thương phẩm. Công nghệ ghép đoạn cành được áp dụng rộng rãi để phát triển một số cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh quý hiếm. Hiện tại, Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Khảo nghiệm giống thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị của tỉnh đã tiến hành nghiên cứu và có đủ khả năng ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào phục vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của tỉnh như các giống cây hoa (hồ điệp, đai châu, đồng tiền, vũ nữ...), cây dược liệu (gấc, trinh nữ hoàng cung, lô hội…), cây khác (chuối, tỏi, dâu tây...).

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện nhiều dự án thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2025” nhằm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong nhân giống, sản xuất, bảo quản, tiêu thụ cây rau màu như cải bắp, cải ăn lá, các loại nấm ăn và nấm dược liệu; hoa lan Hồ Điệp, dưa thơm các loại, đặc biệt là việc sản xuất hoa từ nuôi cấy mô tế bào và sản xuất nấm từ nấm giống cấp I tại phòng thí nghiệm. Các dự án đã góp phần hiệu quả trong tăng thu nhập cho các hộ dân, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhất là tại các vùng nông thôn trong tỉnh.

Công nghệ chăn nuôi được từng bước đổi mới, thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình tập trung, quy mô trang trại, gia trại kết hợp với bảo vệ môi trường ở nông thôn; sử dụng vắc-xin tiêm phòng, khử trùng, sát khuẩn bảo vệ cho gia súc, gia cầm, ứng dụng công nghệ mới trong phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Việc thụ tinh nhân tạo cho gia súc, đại gia súc được áp dụng rộng rãi trên toàn tỉnh, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật kéo dài thời gian bảo quản tinh dịch lợn để đáp ứng yêu cầu sản xuất ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, Trung tâm Giống gia súc Hải Dương (nay là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương) đã được đầu tư, chủ động tiếp nhận và chuyển giao, chủ động trong sản xuất tinh dịch lợn và các công nghệ bảo quản. Giai đoạn 2006-2010, Trung tâm đã triển khai nhân rộng kết quả đề tài “Môi trường NHD1 pha loãng, bảo quản tinh dịch lợn trong 2-3 ngày để nâng cao hiệu quả cho đàn lợn nái”, đã đưa số lượng tinh bảo quản 2 ngày được 40-45%, giảm tỉ lệ tinh do chỉ sử dụng trong ngày lãng phí 25-30% xuống chỉ còn 10-13%, phục vụ nhu cầu tinh dịch lợn trên toàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Ứng dụng các tổ hợp lai có hiệu quả kinh tế cao trong nuôi lợn như tổ hợp lai giữa lợn đực giống Piétrain RéHal với lợn nái lai, nái F1 (Yorkshire x Móng Cái), F1 (Yorkshire x Meishan) với đực Pidu 25 và Pidu 50, lợn có 3-4 máu thương phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng tới giá trị cao cũng được quan tâm thông qua phối trộn các nguồn thức ăn sẵn có, sử dụng thảo dược bổ sung vào khẩu phần thức ăn, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn. Nhiều giống gia cầm mới có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao cũng được áp dụng, trong đó phải kể đến việc áp dụng sản xuất con lai giữa đực là ngan R71 với vịt mái M14 bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Việc sử dụng các công thức lai và thụ tinh nhân tạo đối với đàn đại gia súc cũng được quan tâm với các mô hình bò lai hướng thịt chất lượng cao, bò lai hướng thịt được tạo ra từ công thức lai giữa giống đực Blanc Bleu Belge (BBB) với cái lai Zebu.

Việc áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thuỷ sản như chuyển đổi giới tính bằng hoóc-môn, lai xa công nghệ gen... trong sản xuất một số giống thuỷ sản đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích, sản lượng và chất lượng thuỷ sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học, vắc-xin trong nuôi trồng và chữa bệnh cho các loài thuỷ sản.Triển khai có hiệu quả chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đặc biệt Dự án “Mô hình chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ cá rô phi bằng công nghệ sinh học tại Hải Dương” thực hiện tiếp nhận các quy trình công nghệ, xây dựng được mô hình chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng (chả cá chất lượng cao, sốt ăn liền, bột xương, mùn sinh học) từ cá rô phi bằng công nghệ sinh học tại Hải Dương góp phần giải quyết tiêu thụ cá rô phi - đối tượng thủy sản có tỷ lệ lớn ở tỉnh hiện nay.

Giai đoạn 2005-2020, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, hướng tới sản xuất an toàn sinh học, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ vì mục tiêu phát triển bền vững. Đã nghiên cứu, ứng dụng một số chế phẩm sinh hoá học kết hợp với bảo quản lạnh để kéo dài thời gian bảo quản vải thiều, cải bắp, sup lơ, cà rốt; đã kéo dài thời gian bảo quản vải thiều được từ 30-35 ngày, đối với cà rốt là 60 ngày, đối với cải bắp và súp lơ là 30 ngày. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã áp dụng phương pháp bảo quản lạnh và màng sinh học trong bảo quản để xuất khẩu vải thiều, cà rốt sang Trung Quốc, vào miền Nam. Đồng thời, nghiên cứu lựa chọn giải pháp xử lý rác thải đồng ruộng, xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã góp phần tích cực vào việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm rạ dư thừa sau thu hoạch; ứng dụng thành công chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản như EM, Biof; ứng dụng thành công các chế phẩm trong trồng trọt với cây lúa và rau màu như Fito lúa, Trecho derma, Bima, Fusa, v.v... Ngoài ra, trong lĩnh vực này tỉnh còn hợp tác với Nhật Bản triển khai thử nghiệm công nghệ Saibon trong xử lý nước thải sau chăn nuôi quy mô trang trại.

Trong lĩnh vực y, dược, tỉnh tăng cường đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học trong y dược tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Ứng dụng công nghệ sinh học trong các chế phẩm vắc - xin và thuốc kháng sinh, giúp kết quả tiêm chủng mở rộng đạt trên 95% hằng năm, nhiều loại kháng sinh mới, phổ rộng điều trị nguyên nhân gây bệnh hiệu quả cao; trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền, bệnh ung thư, điều trị bệnh (ứng dụng kỹ thuật điện di huyết sắc tố, sàng lọc trước sinh, phân tích nhiễm sắc thể phát hiện sớm các bệnh Thalassemia, hội chứng Down, đột biến ở gene egfr và kras dẫn đến sự kháng thuốc ở bệnh nhân ung thư dạ dày - tá tràng); xét nghiệm sinh học phân tử (PCR), chẩn đoán xác định HIV bằng kỹ thuật test nhanh, kỹ thuật tách máu trong truyền máu, lọc máu chu kỳ và siêu lọc máu cấp cứu; thuốc đặc trị nhiễm vi rút Interferon điều trị bệnh vi rút viêm gan. Trong sản xuất cây dược liệu và thực phẩm chức năng: Ứng dụng trong nuôi trồng dược liệu, nhiều loại dược phẩm có nguồn gốc sinh học được dùng trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc áp dụng giải pháp sử dụng công nghệ sinh học vi sinh vào xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân. Công nghệ thuỷ phân vi sinh, ứng dụng các chế phẩm sinh học được áp dụng phổ biến trong phát triển hầm khí biogas ở vùng nông thôn, nhất là các khu chăn nuôi, giết mổ gia súc tập trung, phụ phẩm nông nghiệp, nước thải, chất thải rắn hữu cơ, thu hồi khí mê tan làm chất đốt sinh hoạt và bảo vệ môi trường nông thôn. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải, môi trường làng nghề, bãi chôn rác thải luôn được quan tâm, giai đoạn 2006-2010, tỉnh đã đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, áp dụng công nghệ sinh học (chế phẩm BIO-MIX1, BIO-MIX2) xử lý rác và nước rỉ rác tại bãi rác Soi Nam thành phố Hải Dương, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường không khí và nước tốt hơn cho nhân dân thành phố, đặc biệt là những người dân sống gần khu vực bãi rác. Đồng thời, tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng được 12 hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố trong tỉnh. Các bãi chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều được ứng dụng công nghệ sinh học để giảm thiểu mùi, xử lý nước thải và nước rò rỉ. Việc ứng dụng công nghệ sinh học vật bám đưa vào quy trình xử lý nước thải các bệnh viện, nuôi cấy vi sinh trong xử lý nước thải các cơ sở sản xuất, chế biến, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh… mang lại hiệu quả xử lý nước thải cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số công trình ứng dụng công nghệ vi sinh vào xử lý chất thải hữu cơ thành phân vi sinh phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Dự án “Xây dựng mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ lót sinh học trong chăn nuôi lợn quy mô nông hộ” đã thu hút 91 hộ nông dân tham gia. Mô hình có hiệu quả rõ rệt về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao cho sản xuất rau màu an toàn…

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đã chỉ đạo chủ động tiếp cận với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học mới của Viện khoa học và công nghệ - Bộ Công an trong các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an ninh chính trị.

Trong phát triển công nghiệp công nghệ sinh học , tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho một số đơn vị nghiên cứu và triển khai trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phân tích môi trường, nghiên cứu sinh lý, sinh hoá, di truyền chọn giống, nuôi cấy mô tế bào thực vật, kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm; tăng cường các thiết bị tiên tiến như: thiết bị cấy vi sinh, phân tích vi sinh, phân tích hoá lý để kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; thiết bị xét nghiệm HIV/AID, các tủ âm sâu (-40­­oC đến -80 oC) để thực hiện về công nghệ sinh học phân tử; máy sắc ký khí và máy sắc khí lỏng để xét nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm...; áp dụng các thiết bị máy giải đông tinh trùng ở nhiệt độ từ 500C-3800C. Các cơ quan nghiên cứu và phát triển như: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản và nước ngọt miền Bắc, Xí nghiệp giống gia cầm Cẩm Bình đóng trên địa bàn tỉnh đã được các bộ, ngành trung ương đầu tư để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học chung của các vùng miền, toàn quốc. Các đơn vị như Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hải Dương, Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Khảo nghiệm giống thuộc Sở Khoa học và Công nghệ bước đầu được tỉnh, các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư một phần cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực để khảo nghiệm, sản xuất thử, nhân rộng và cung ứng các giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Công nghệ vi sinh đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất rượu, bia, kẹo bánh, chế biến nông sản, thực phẩm. Đồng thời, công nghệ sinh học cũng đã được quan tâm ứng dụng trong bảo quản lương thực, rau quả và thực phẩm. Việc ứng dụng công nghệ sinh học đã tạo ra các loại thức ăn giàu dinh dưỡng phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản, sản xuất phân vi sinh và các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng. Ngoài ra, công nghệ vi sinh đã được đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm.

Tiếp thu, ứng dụng có chọn lọc các kết quả nghiên cứu, triển khai công nghệ sinh học trong và ngoài nước; phục vụ thiết thực, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2030.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh ưu tiên tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mới có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc sinh học phục vụ sản xuất; chế phẩm bảo quản sản phẩm trong và sau khi thu hoạch, bảo quản nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xử lý môi trường. Chế biến, ứng dụng các sản phẩm tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh, các chất dư lượng độc hại và quản lý chất lượng sản phẩm.

Trong lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các loại thức ăn an toàn, giàu dinh dưỡng, dễ hấp thụ phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản; sản xuất phân vi sinh và các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, phục vụ chăn nuôi theo quy mô công nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến nông sản, thực phẩm. Ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Trong lĩnh vực y tế, tăng cường ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phân tử, kỹ thuật sinh học trong chuẩn đoán nhanh các bệnh nguy hiểm, xác định nhanh về ngộ độc, kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm; ứng dụng tế bào gốc để điều trị các bệnh về máu; ứng dụng các vắc-xin phòng, chữa bệnh cho người. Ứng dụng các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trong sản phụ khoa, ứng dụng xác định dấu vết sinh học, quan hệ huyết thống trong giám định pháp y; ứng dụng sản xuất thuốc chữa bệnh và các thực phẩm chức năng, chế phẩm y sinh từ thảo dược để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý rác thải, nước thải, chất thải chăn nuôi; sử dụng các vi sinh vật hữu ích trong xử lý môi trường trồng trọt, chăn nuôi, làng nghề và đời sống sinh hoạt nhân dân. Phát triển và ứng dụng các công nghệ sinh học trong quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, tăng khả năng tự tái tạo.

BT - Văn phòng Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: