Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Không có dữ liệu

Tình hình phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Hai 19/06/2023 15:05

Xem với cỡ chữ

 

Các doanh nghiệp ở Hải Dương đang nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Ảnh minh họa

Ảnh minh họa: Các doanh nghiệp ở Hải Dương đang nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 18.595 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 215 ngàn tỷ đồng, trong đó có 503 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, năm 2022 thành lập mới 1.5 0 doanh nghiệp (tăng 9,5%) và riêng 6 tháng đầu năm 2023 thành lập mới 750 doanh nghiệp. So với cả nước, chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh đứng ở tốp cao, mật độ doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân trong độ tuổi lao động đạt 11,5 doanh nghiệp, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng các doanh nghiệp, tỉnh Hải Dương đã chú trọng xây dựng các chính sách, các văn bản, quy định hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục hành chính và trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về chính sách thuế, các hoạt động hỗ trợ đối tượng nộp thuế với nhiều hình thức phù hợp. Thực hiện có kết quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do Chính phủ ban hành. Xây dựng và triển khai thực hiện một số quy định, chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn ngân sách tỉnh trong các lĩnh vực như: đăng ký doanh nghiệp, khởi nghiệp, tư vấn đầu tư, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, sở hữu công nghiệp, khuyến công, khuyến nông, trợ giúp pháp lý...

Đồng thời, thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn các thủ tục về cấp giấy phép hoạt động đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thủ tục về đất đai đối với các hộ kinh doanh thuê đất thực hiện dự án sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp; hỗ trợ hoạt động tiêu thụ nông sản thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giao dịch, cung ứng hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... Trong giai đoạn 2021 - 2022 đã hỗ trợ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp cho 1.246 doanh nghiệp với số kinh phí gần 150 triệu đồng. Thực hiện tư vấn hỗ trợ thủ tục đăng ký cho 250 doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ cho 30 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; tổ chức 21 khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh cho 916 cá nhân; tư vấn đầu tư cho 80 nhà đầu tư… Thông qua tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía chính quyền tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực nghiên cứu, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Môt số doanh nghiệp có quy mô lớn, mô hình quản trị tiến tiến, xây dựng và phát triển được thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong tỉnh; một số sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài (như sản phẩm may mặc, giày da, linh kiện điện tử, hàng nông sản,...).

Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cũng như ngân sách tỉnh. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng 8,7%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 59.871 tỷ đồng, tăng bình quân 3,3%/năm. Cùng với đóng góp vào phát triển kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023, các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 76.000 lao động. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, chung tay với địa phương trong công tác đảm bảo an sinh xã hội.


Đại diện Công ty CP Xây dựng và Phát triển Thái Dương trao biểu trưng kinh phí hỗ trợ huyện Cầm Giàng (Nguồn Báo Hải Dương)

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, phát triển doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc sau: Quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tỷ lệ trên 97% tổng số doanh nghiệp), số doanh nghiệp thực tế hoạt động và có doanh thu, lợi nhuận còn rất thấp so với tổng số doanh nghiệp đăng ký. Trình độ công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp. Tính liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp, nhất là liên kết giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa cao. Chất lượng lao động tại các doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều, còn thiếu nguồn lao động có tay nghề cao. Tình trạng tranh chấp lao động còn xảy ra ở một số doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư chậm triển khai dự án, để đất hoang hoá, lãng phí gây dư luận bức xúc trong nhân dân. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án đầu tư lớn, số lượng công nhân đông chưa thực sự quan tâm, tìm biện pháp giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động. Trong hoạt động đầu tư kinh doanh, vẫn còn có những doanh nghiệp chấp hành pháp luật chưa nghiêm, còn vi phạm quy định của pháp luật về lao động, nghĩa vụ tài chính, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo vệ môi trường,….

Để tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững, tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động. Tập trung tháo gỡ các nút thắt về thể chế, nhất là về thủ tục hành chính, về cơ chế, quy trình phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Đảm bảo tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực của cộng đồng các doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật quy hoạch. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ, của tỉnh đã ban hành. Tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ, đào tạo đội ngũ doanh nhân.  Triển khai các giải pháp phục hồi, cơ cấu lại thị trường lao động, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo lao động; đẩy mạnh thực hiện phương thức liên kết, hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, thực hiện việc xúc tiến đầu tư, thương mại, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao chất lượng đối thoại, xử lý các vướng mắc ngay sau đối thoại với các doanh nghiệp; nắm bắt kịp thời, xử lý hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh phải quán triệt nghiêm túc tinh thần của Chính phủ với phương châm, quan điểm "chính quyền kiến tạo"; thay đổi tư duy từ "chính quyền quản lý" sang "chính quyền phục vụ" với mục tiêu xuyên suốt là "vì doanh nghiệp". Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ công chức, nhất là các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp…