Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Huyện ủy Cẩm Giàng
Không có dữ liệu

Cẩm Giàng: Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 05/8/2021 về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025

Thứ Ba 25/10/2022 09:59

Xem với cỡ chữ

 

UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác giải phóng mặt bằng

Huyện Cẩm Giàng nằm ở phía Tây của tỉnh Hải Dương, có 17 đơn vị hành chính (gồm 2 thị trấn và 15 xã) với diện tích tự nhiên là 11.011,85 ha, dân số khoảng 151.500 người. Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ đầu tư thi công khoảng 700 ha, xây dựng trên 180 công trình, dự án phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác GPMB của huyện là rất lớn và đặc biệt quan trọng. Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU, ngày 05/8/2021 về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện Cẩm Giàng giai đoạn 2021 - 2025; mặc dù gặp nhiều khó khăn, song công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện đã cơ bản đảm bảo các mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết được quan tâm, có sự nhất quán, tập trung từ huyện đến cơ sở. Việc cụ thể hóa Nghị quyết được triển khai kịp thời. Hầu hết các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo; đảng ủy, UBND, các đoàn thể tại các xã, thị trấn ban hành 35 văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. 100% các xã, thị trấn đã thành lập được BCĐ giải phóng mặt bằng, trong đó đồng chí Bí thư làm trưởng ban chỉ đạo. Nhờ đó, vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được nâng cao.

 Cùng với đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở. UBND huyện, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan đã tổ chức trên 60 cuộc họp để triển khai thực hiện và đôn đốc tiến độ với hơn 1.890 hộ dân tới dự; tổ chức trên 30 cuộc họp để đối thoại, tuyên truyền, vận động, giải thích cho các hộ dân còn có thắc mắc chưa đồng thuận, với khoảng 108 hộ tới dự, nêu ý kiến; tổ chức cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất tại 03 dự án, đối với 29 hộ dân ứng với diện tích là 43.471 m2. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đa dạng, phong phú, có nhiều đổi mới như: tuyên truyền qua mạng xã hội, internet, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị... Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

  Tổ công tác thông qua quyết  định về việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc 5 hộ dân ở xã Cẩm Đoài

Công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết được coi trọng. Việc thực hiện các chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Từ tháng 8 năm 2021 đến nay, huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo, triển khai thực hiện GPMB mới đối với 5 công trình, dự án; tiếp tục thực hiện đối với 29 công trình, dự án chuyển tiếp từ trước khi ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với 15 dự án thuộc diện thỏa thuận. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 khoảng 432 ha đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và ảnh hưởng đến khoảng 2.689 hộ dân. Đến nay, đã cơ bản giải phóng mặt bằng xong với diện tích khoảng 211 ha/432 ha, tương ứng 48,8% diện tích cần GPMB (đạt 87,9% so với nhiệm kỳ 2016 - 2021). Số hộ dân đã đồng thuận ký nhận kiểm kê, phương án, nhận tiền, giao mặt bằng là 2.179/2.689 hộ, ứng với 81% số hộ, với số tiền đã bồi thường là 624,17 tỷ đồng (đạt 89,1% so với nhiệm kỳ 2016 - 2021). Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng đường kết nối QL38 với đường huyện 31 tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích đất thu hồi là 29.224 m2 liên quan đến 217 hộ dân có đất thu hồi; Điểm dân cư mới Phú Quý - Cao An với diện tích 2,1 ha liên quan đến 41 hộ có đất thu hồi; Khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 được 122,97ha/224,7ha tại 2 xã Cẩm Đông, Cẩm Đoài liên quan đến 1.112 hộ dân; Khu CN Tân Trường mở rộng được 50ha/112,6ha liên quan đến 722 hộ dân… Các dự án còn lại, hiện nay, đang tiếp tục thực hiện các trình tự, thủ tục trong công tác GPMB. Qua triển khai thực hiện các dự án, nhìn chung công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện trong thời gian qua được chỉ đạo và thực hiện tích cực, tiến độ giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng được tiến độ thi công các công trình dự án

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện còn một số hạn chế, khó khăn như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết của một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quyết liệt. Công tác lập quy hoạch, tổ chức công khai quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số dự án khi triển khai thực hiện gặp vướng mắc phát sinh, cần xin cơ chế của tỉnh để tháo gỡ trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Một số dự án công trình đã có kế hoạch sử dụng đất, triển khai thực hiện công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng, tuy nhiên hộ dân vẫn tạo lập tài sản, cây cối hoa màu trên đất không đúng quy định. Việc bố trí nguồn vốn của chủ đầu tư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ có dự án còn chậm. Một số dự án, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn lập trích lục, hồ sơ thu hồi đất chưa có kinh nghiệm, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác GPMB. Một bộ phận nhân dân còn chưa hiểu đúng, đầy đủ các quy định về pháp luật đất đai nói chung và các quy định về bồi thường, GPMB nói riêng; bên cạnh đó còn một số người dân đòi hỏi ngoài chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ...