Thứ tư, ngày 16/4/2025

Làm gì để các đơn vị hành chính cấp xã hoạt động hiệu quả sau sáp nhập? Bài 1 - Tất yếu để phát triển

Thứ Tư 09/04/2025 07:46

Xem với cỡ chữ
Hải Dương đang khẩn trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Từ hôm nay, báo điện tử Hải Dương khởi đăng loạt bài 'Làm gì để các đơn vị hành chính cấp xã hoạt động hiệu quả sau sáp nhập?' nhằm gợi mở những vấn đề đáng quan tâm về chủ đề này.

hong-du(1).jpg

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để tạo không gian phát triển rộng hơn của các địa phương. Trong ảnh: Xã Hồng Dụ (Ninh Giang) được sáp nhập từ 2 xã Hồng Thái, Hồng Dụ từ năm 2019 ngày càng khang trang

Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là nội dung quan trọng của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, mang lại nhiều lợi ích rất rõ ràng. Đây là công việc tất yếu phải làm để thúc đẩy phát triển của các địa phương.

Tinh gọn bộ máy

Xã Tân Hương (Ninh Giang) được sáp nhập từ xã Tân Hương và xã Ninh Thành từ ngày 1/12/2019. Trước sáp nhập, 2 xã cũ có 42 cán bộ, công chức. Khi xã Tân Hương mới đi vào hoạt động còn 26 cán bộ, công chức, giảm 16 người. Đến nay, xã Tân Hương còn 21 cán bộ, công chức, bảo đảm quy định.

Theo bà Đào Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Tân Hương, thực tiễn ở địa phương cho thấy việc sáp nhập xã đã giảm đáng kể số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc. “Trong công tác cán bộ, Đảng ủy, UBND xã xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của mỗi vị trí trong bộ máy hoạt động để lựa chọn cán bộ phù hợp. Công tác cán bộ được thực hiện công khai, khách quan, công tâm nên bảo đảm sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ. Đến nay mọi công việc ở địa phương đều diễn ra thuận lợi, đáp ứng yêu cầu và phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp”.

Thực tế ở xã Tân Hương cũng là tình hình chung ở các đơn vị hành chính cấp xã của Hải Dương. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, đến nay hầu hết các địa phương không còn cán bộ, công chức dôi dư. Đối với những địa phương mới thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025, số lượng cán bộ, công chức dôi dư cũng không quá nhiều.

Trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, toàn tỉnh Hải Dương có 265 đơn vị hành chính cấp xã. Hiện toàn tỉnh còn 207 đơn vị, giảm 58 đơn vị, trong đó giai đoạn 2019 - 2021 giảm 30 đơn vị; giai đoạn 2023 - 2025 giảm 28 đơn vị hành chính. Đồng thời toàn tỉnh giảm được 323 cán bộ và 513 công chức cấp xã.

Thời gian tới, với việc thực hiện giảm tiếp khoảng 100 đơn vị hành chính cấp xã cùng với những cơ chế, chính sách tốt hơn dành cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức cấp xã chắc chắn sẽ tiếp tục được tinh gọn hơn nữa.

Phục vụ dân tốt hơn

So với 2 giai đoạn trước, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hiện nay được thực hiện với quy mô lớn hơn. Đây thực sự là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện đồng thời với chủ trương kết thúc hoạt động của cấp huyện và tiến tới sáp nhập các tỉnh, thành phố.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, Gia Lộc là địa phương thực hiện sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã nhất tỉnh Hải Dương với 8 xã sáp nhập thành 4 xã. Đó là các xã Gia Tiến (sáp nhập 2 xã Tân Tiến và Gia Lương); Gia Phúc (sáp nhập 2 xã Gia Tân và Gia Khánh); Nhật Quang (sáp nhập 2 xã Nhật Tân và Đồng Quang) và xã Quang Đức (sáp nhập 2 xã Quang Minh và Đức Xương).

mot-cua(1).jpg

Sau 2 lần thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước đây, Hải Dương đã giảm được 323 cán bộ cấp xã và 513 công chức cấp xã (ảnh minh họa)

Sau 4 tháng đi vào hoạt động, các xã mới đã dần hoạt động ổn định, hiệu quả. Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc cho rằng chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã với quy mô lớn hơn và bỏ cấp huyện ở thời điểm này là rất đúng đắn, chắc chắn mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả. Đó là tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi thường xuyên, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và mở rộng không gian, nguồn lực để các địa phương phát triển. “Khi bộ máy tinh gọn lại, yêu cầu công việc cao hơn đòi hỏi phải nâng cao chất lượng cán bộ, từ đó thanh lọc cán bộ năng lực yếu ra khỏi tổ chức, bộ máy”, đồng chí Đặng Xuân Thưởng nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Anh Tế, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho rằng chủ trương bỏ cấp huyện là rất đúng đắn. Theo ông Tế, trước đây, mô hình cấp huyện là phù hợp. Nhưng hiện công nghệ rất phát triển, đa số thủ tục hành chính người dân, doanh nghiệp có thể làm thủ tục giải quyết qua mạng. Cấp huyện trở thành cấp trung gian, có thể làm chậm tiến độ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, công việc nên việc kết thúc hoạt động là phù hợp. “Trên cơ sở bỏ cấp huyện thì việc mở rộng quy mô xã để quản lý, giải quyết công việc là tất yếu. Đây thực sự là một cuộc cách mạng phù hợp với sự dịch chuyển của thời cuộc, đòi hỏi cả chính quyền, cán bộ và người dân phải thích ứng”, ông Tế nêu ý kiến.

Tạo động lực phát triển

cam-giang(1).jpg

Sau 2 lần sáp nhập, thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) được mở rộng không gian phát triển. Trong ảnh: Một tuyến đường ở thị trấn Cẩm Giang đang được hoàn thiện

Cùng với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy ở cơ sở, thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ mở rộng không gian, tích hợp được lợi thế của các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) là địa phương đã 2 lần thực hiện sáp nhập. Năm 2019, thị trấn Cẩm Giàng sáp nhập với xã Kim Giang thành thị trấn Cẩm Giang. Năm 2024, thị trấn Cẩm Giang tiếp tục sáp nhập với xã Thạch Lỗi. Từ một thị trấn được thành lập năm 1958, không gian phát triển hạn hẹp, sau 2 lần sáp nhập, Cẩm Giang ngày nay đã được mở rộng diện tích từ 0,47 km² lên 10,5 km². Quy mô dân số của thị trấn cũng được nâng từ 2.400 người lên gần 14.000 người.

Theo đồng chí Phạm Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cẩm Giang, diện tích rộng tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch tổng thể và giúp tầm nhìn phát triển của địa phương được mở rộng, lâu dài hơn. Các xã sáp nhập vào thị trấn cũng không chỉ còn bó gọn, loanh quanh phát triển nông nghiệp mà định hướng phát triển dịch vụ, các ngành nghề khác. “Theo quy hoạch chung thị trấn mở rộng, địa phương sẽ có thêm 1 khu dân cư mới cùng với các công trình công cộng với tổng diện tích 45 ha. Khi triển khai thực hiện, đây sẽ là động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực lân cận”, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cẩm Giang cho biết thêm.

Với nhiều lợi ích, ưu việt, chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã được cán bộ, đảng viên, người dân trong tỉnh Hải Dương đồng thuận cao. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chủ trương trên cũng đặt ra không ít vấn đề cần chủ động giải quyết.

Theo dự kiến tiêu chuẩn của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tất cả 207 xã, phường, thị trấn ở Hải Dương đều không đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Toàn tỉnh chỉ có 5 phường đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, 13 xã đạt tiêu chuẩn quy mô dân số.

Đính kèm đường link gốc:  https://baohaiduong.vn/lam-gi-de-cac-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-hoat-dong-hieu-qua-sau-sap-nhap-bai-1-tat-yeu-de-phat-trien-408871.html

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: