Thứ ba, ngày 26/11/2024

Gần 50 triệu cử tri Thái-lan đi bỏ phiếu bầu Hạ viện

Thứ Hai 25/03/2019 17:27

Xem với cỡ chữ
Ngày 24-3, gần 50 triệu cử tri Thái-lan tới 90 nghìn điểm bỏ phiếu để bầu Hạ viện gồm 500 thành viên. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2014. 90 nghìn điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Thái-lan mở cửa đón cử tri từ 8 giờ sáng và đóng cửa lúc 17 giờ chiều cùng ngày.

 

Thủ tướng Prayut bỏ phiếu tại khu vực bầu cử quận Phayathai, Bangkok.

Trong số 500 thành viên Hạ viện, cử tri Thái-lan bầu 350 ghế theo danh sách cá nhân và 150 ghế theo danh sách đảng. Thượng viện gồm 250 thành viên sẽ được Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia Thái-lan (NCPO), do Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha làm Chủ tịch, chỉ định. Sau đó, Quốc hội lưỡng viện gồm 750 thành viên sẽ bầu thủ tướng. Mỗi lá phiếu cử tri có hai lựa chọn theo phương thức “hệ thống bầu cử hỗn hợp”, gồm bầu hạ nghị sĩ theo danh sách cá nhân và hạ nghị sĩ theo danh sách đảng.

Có 10.792 ứng cử viên theo danh sách cá nhân và 2.810 ứng viên theo danh sách 77 chính đảng đủ tư cách tham gia tranh cử vào Hạ viện. 68 ứng cử viên của 44 chính đảng đua tranh chức thủ tướng. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy, ba đảng hàng đầu gồm đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nhận được nhiều sự ủng hộ nhất với hơn 36% số cử tri được hỏi, đảng Dân chủ có truyền thống lâu đời nhất Thái-lan được 12% và đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath) mới thành lập năm ngoái để ủng hộ Thủ tướng Prayut được 24%.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, đảng Palang Pracharath đưa ra những cam kết táo bạo, như nâng mức lương tối thiểu từ 300 baht/ ngày lên hơn 400 baht, 18 nghìn baht/ tháng cho lao động có tay nghề và 20 nghìn baht/ tháng cho lao động có bằng cử nhân. Đảng này cũng hứa nâng mức thu nhập cá nhân chịu thuế từ 150 nghìn baht lên 200 nghìn baht/ năm, tăng thêm từ hai đến ba triệu người dân được hưởng trợ cấp an sinh xã hội.

Cử tri Thái-lan xếp hàng đợi thực hiện quyền công dân.

Trong khi đó, đảng Pheu Thai vẫn luôn được tầng lớp người lao động ủng hộ, nhất là ở vùng đông bắc Thái-lan. Pheu Thai cũng đưa ra cam kết tăng lương tối thiểu lên 400 baht/ ngày và 18 nghìn baht/ tháng cho người lao động tốt nghiệp đại học, giãn nợ trong vòng hai năm đối với nông dân, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp mới và doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử… Tuy nhiên, việc đảng Người Thái bảo vệ quốc gia (Thai Raksa Chart), đảng đồng minh quan trọng của Pheu Thai, bị giải tán do đề cử công chúa Ubolratana Rajakanya làm ứng cử viên thủ tướng, là một tổn thất to lớn đối với đảng Vì nước Thái.

Đảng Dân chủ, có truyền thống lâu đời nhất chính trường Thái-lan, cam kết với cử tri sẽ đẩy mạnh chống tham nhũng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện an sinh xã hội và tăng quyền tự chủ cho địa phương. Đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva nhận được sự ủng hộ đông đảo của tầng lớp giàu có và khu vực miền nam trù phú.

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân Điện tử ngay khi vừa thực hiện quyền công dân, anh Sagunrak Polwatthana, cử tri khu vực bầu cử quận Huai Khwang, Bangkok nói : “Tôi bỏ phiếu cho đảng Pheu Thai, bởi đảng này có các chính sách ưu đãi những người lao động như tôi. Tuy nhiên, dù đảng nào lên nắm quyền, tôi hy vọng đều mang lại sự thay đổi tích cực cho đất nước”.

Còn chị Rungtiva Ananta cho biết: “Đây là lần bỏ phiếu đầu tiên của tôi, và rất vui, xúc động được tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Việc lựa chọn đảng nào tôi xin phép được cất giữ riêng cho mình, và mong muốn nước Thái phồn vinh hơn nữa sau cuộc bầu cử này”.

39 quan sát viên quốc tế tới từ 11 nước được mời tham gia giám sát công tác bỏ phiếu, nhằm bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra công bằng và minh bạch. Kết quả sơ bộ được công bố lúc 20 giờ tối nay; kết quả chính thức sẽ công bố vào 9-5 tới..

Theo báo Nhân dân Điện tử

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: