Vừa qua, UBND tỉnh ban hành công văn số 547/UBND-VP chỉ đạo các đơn vị có liên quan về tình hình bệnh lây truyền qua đường hô hấp đặc biệt là bệnh cúm tại các trường học.
(Ảnh minh họa)
Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người sang người, có khả năng gây thành đại dịch và biến chứng hô hấp có thể gây tử vong. Để chủ động phòng, chống bệnh có hiệu quả cho học sinh các trường học cần có biện pháp sau:
Tăng cường vệ sinh môi trường học tập và vệ sinh cá nhân: Tại trường học cần đảm bảo nơi ở, học tập thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong trường học bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng; Tuyên truyền cho trẻ thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi; Học sinh cần che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để giảm phát tán dịch theo đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt khăn thật sạch bằng xà phòng. Không khạc nhổ bừa bãi tại trường học.
Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: Tuyên truyền cho trẻ tránh đi đến nơi đông người, cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm; Học sinh tránh tiếp xúc với bạn bị bệnh. Khi cần thiết phải tiếp xúc với bạn bị bệnh thì phải đeo khẩu trang y tế.
Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh cho học sinh: Hàng ngày sát khuẩn mũi, mắt bằng dung dịch Natriclorid 0,9%, họng bằng cách súc miệng nước muối pha loãng; Học sinh giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể; Tuyên truyền cho học sinh và gia đình chủ động tiêm vaccine phòng cúm; Bản thân có các dấu hiệu như: sốt, ho, đau họng thì cần hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm, đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xử trí kịp thời.