Thứ năm, ngày 23/1/2025

Hải Dương: Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

Thứ Năm 02/01/2025 14:09

Xem với cỡ chữ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chỉ thị số 57-CT/TU ngày 31/12/2024 về việc nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Ảnh minh họa

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI và Chỉ thị số 46-CT/TU, ngày 07/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội được nâng lên, tạo sự thống nhất trong hành động, qua đó huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có sự tăng trưởng ổn định qua các năm, được triển khai kịp thời đến hộ nghèo và đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng cao, tỉ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt các hoạt động nhận uỷ thác. Mô hình và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được khẳng định và ngày càng được củng cố.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh; đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, qua đó ngày càng củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây là "điểm sáng", một trong những "trụ cột" của hệ thống các chính sách an sinh xã hội, minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Nguồn vốn chưa thực sự đa dạng; chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương, nguồn vốn có nguồn gốc từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm tỉ trọng thấp trong tổng nguồn vốn. Quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, chưa gắn kết với mô hình, dự án liên kết theo chuỗi, thiếu sự hỗ trợ đầu ra ổn định, bền vững. Việc chuyển đổi số của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế.

Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên do những nguyên nhân chủ yếu sau: Nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội chưa đầy đủ; chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn thiếu đồng bộ. Nguồn lực của tỉnh có hạn, trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu phát triển kinh tể - xã hội. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là của dịch Covid-19.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tố quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong đời sống xã hội và trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Các cơ quan Báo Hải Dương, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hải Dương, Cổng Thông tin Điện tử, Website của các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp mở chuyên mục và tăng cường đưa tin, bài để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội cũng như hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thể hiện quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, phát triển kinh tế, gắn với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau; là công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là động lực, nguồn lực để những người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

2. Nâng cao vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Các sở, ban, ngành, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội các cấp xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tăng cường phối hợp trong xây dựng, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội; đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, sử dụng vốn vay hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, tích cực triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo, mở tài khoản các Quỹ vì người nghèo tại NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động nhận uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, chú trọng hướng dẫn người nghèo, các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động huy động, quản lý và sử dụng vốn của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, không được để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

3. Tham mưu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội theo hướng bao trùm, bền vững; đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, chính sách của tỉnh liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối của ngân sách, điều kiện phát triển của tỉnh và chu kỳ sản xuất, kinh doanh; chú trọng cung cấp tín dụng chính sách xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và các trường hợp khẩn cấp khác... Thực hiện mức ưu đãi cao nhất dành cho hộ nghèo, tiếp đến là hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 Lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội của tỉnh; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách; thực hiện rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đối tượng có thu nhập trung bình và các đối tượng chính sách khác để các đối tượng này được tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời, đúng quy định.

4. Ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó nguồn vốn ủy thác ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện là quan trọng; phấn đấu hằng năm, ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm tối thiểu 30% tăng trưởng tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, mục tiêu đến cuối năm 2025 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm tối thiểu 15% tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước vào Ngân hàng Chính sách xã hội; Tăng cường huy động vốn từ tiền gửi, tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đẩy mạnh vận động đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” mở tại Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

5. Duy trì và phát triển Ngân hàng chính sách xã hội bền vững, thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội; thường xuyên rà soát, kiện toàn
và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp; nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động thực hiện tốt việc huy động quản lý và sử dụng vốn an toàn, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu lực hệ thống kiểm tra, giám sát, năng lực dự báo, phân tích; nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động
tín dụng chính sách xã hội; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc theo dõi, giám sát, đôn đốc, thu hồi và xử lý nợ trong hoạt động tín dụng.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có uy tín, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội từ tỉnh đến cơ sở.  Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận tín dụng chính sách một cách kịp thời. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền tảng ngân hàng số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, chú trọng thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành để cập nhật và quản lý đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.

6. Nghiên cứu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ mô hình tín dụng chính sách, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát, đẩy lùi tín dụng đen một cách hiệu quả.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: