Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 18/9/2024 về tăng cường công tác lãnh đạo trong việc cung ứng nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Trong thời gian qua, việc triển khai các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động quản lý, sản xuất, cung ứng nước sạch trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền các các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Hệ thống mạng lưới cấp nước sạch đã cơ bản phủ kín trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 98%; chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện, nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cung ứng nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Hệ thống mạng lưới cấp nước hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới; nguồn nước khai thác có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình trạng biến đổi khí hậu; một số trạm cấp nước có thời điểm chất lượng nước chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Để bảo đảm cung ứng nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Rà soát định hướng phát triển cấp nước, các điểm xử lý nước thải sinh hoạt trong quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị và các quy hoạch khác có liên quan đảm bảo đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực tiễn, yêu cầu phát triển của địa phương. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước theo quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn, đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng theo quy định để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải ra các hệ thống sông, đặc biệt là hệ thống sông chính trên địa bàn tỉnh đang được khai thác để dùng cho mục đích cấp nước sạch; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi xả nước thải không đạt tiêu chuẩn ra nguồn nước; rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản trên sông, đảm bảo khoảng cách tối thiểu theo quy định đối với các điểm khai thác nguồn nước. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn, kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về đảm bảo chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch.
3. Tập trung nghiên cứu, đổi mới mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong sản xuất, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch bảo đảm chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố; nghiên cứu các giải pháp phù hợp để chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
4. Khẩn trương rà soát, hoàn thành việc giao, quản lý tài sản các công trình nước sạch nông thôn được đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; hoàn thành thủ tục đất đai và các thủ tục pháp lý khác theo quy định. Thường xuyên rà soát phương án giá tiêu thụ của các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh để đảm bảo mức giá bình quân chung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đồng thời, rà soát điều chỉnh phí xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh cho phù hợp.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước. Phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động Nhân dân quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Đính kèm toàn văn bản: /CKeditorData/tintuc/files/CT%2054%20%20TU_signed_signed.pdf