Thứ hai, ngày 25/11/2024

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới

Thứ Ba 02/04/2024 07:48

Xem với cỡ chữ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chương trình hành động số 93-CTr/TU ngày 01/4/2024 về việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Ảnh minh họa

Theo đó, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, hoạt động của Hội Nông dân và phong trào nông dân trong tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Hội Nông dân các cấp đã tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; củng cố, phát triển tổ chức hội; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nông nghiệp phát triển khá nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nông dân có khát vọng vươn lên, tích cực tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,34%; khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp, an ninh trật tự xã hội ở nông thôn được bảo đảm. Tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Tuy nhiên, hoạt động của hội nông dân các cấp và nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh trong thời gian quan vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Hội chưa đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; chưa phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân; phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều; nhận thức, trình độ, năng lực của một bộ phận nông dân còn hạn chế, đời sống khó khăn. Nông nghiệp phát triển chưa xứng với tiềm năng, quy mô sản xuất hộ nông dân phần lớn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân còn nhiều bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, ứng dụng chuyển đổi số và phát triển kinh tế tập thể còn chậm, tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp, công tác giảm nghèo chưa bền vững.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã xây dựng mục tiêu và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để tổ chức thực hiện. Với mục tiêu chung là đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng hội nông dân các cấp trong tỉnh vững mạnh, hoạt động hiệu quả; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển.

Trong đó, với mục tiêu cụ thể là hằng năm phấn đấu kết nạp từ 3.200 hội viên nông dân mới trở lên; 100% cán bộ hội nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nghiệp vụ công tác Hội; 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó có 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các  cấp; 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; 800 hội viên nông dân trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đồng thời, phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 6.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 800 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên; Thành lập mới 60 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 10 chi hội nông dân nghề nghiệp; Vận động từ 7.200 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 17 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 03 hợp tác xã nông nghiệp; Hỗ trợ ít nhất 1.600 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp, đó là cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; Phát huy vai trò của hội nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng với hội nông dân.

Đính kèm toàn văn bản:  /CKeditorData/tintuc/files/CTr%2093%20TU_signed.pdf
 

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: