Thứ ba, ngày 26/11/2024

An toàn thông tin: Người dùng cần tuyệt đối không đăng những thứ này lên mạng

Thứ Ba 28/11/2023 14:54

Xem với cỡ chữ
Mạng xã hội giúp kết nối mọi người, nhưng cũng chứa đựng nhiều cạm bẫy. Người dùng mạng xã hội cần trang bị những kiến thức và tuyệt đối không chia sẻ quá nhiều thông tin lên mạng.

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng, trong đó có 2 yếu tố chính là tội phạm đột nhập và đánh cắp dữ liệu cá nhân, hoạt động tấn công mạng diễn ra phổ biến và Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách bị tin tặc "nhòm ngó". Tính riêng từ đầu năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân.

Chia sẻ về tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân hiện nay ở Việt Nam, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Credit 360.AI cho rằng vấn nạn lộ lọt thông tin cá nhân thật sự là vấn đề nhức nhối. Đây chính là tiền đề để tội phạm mạng có thể lợi dụng, xây dựng các kịch bản và phương án lừa đảo.

Từ thực tế phân tích so sánh dữ liệu ở các quốc gia khác cho thấy người dùng Việt Nam đăng tải thông tin trên mạng xã hội rất nhiều, một cách vô tội vạ. Nếu điều này tiếp tục diễn ra thì hệ quả để lại sẽ rất phức tạp, khôn lường bởi theo cảnh báo của ông Nam, không gian mạng mở nên tội phạm mạng có ở khắp mọi nơi. Những thông tin mang tính chất cá nhân của người dùng cũng sẽ dần bị khai thác ở nhiều góc độ.

Vì vậy người dùng mạng xã hội cần lưu ý, hạn chế chia sẻ những thông tin sau đây để bảo vệ bản thân khỏi những cuộc tấn công, lừa đảo của những đối tượng xấu

Không chia sẻ vị trí: Các ứng dụng mạng xã hội sử dụng vị trí địa lý (từ địa chỉ IP hoặc tính năng GPS trên điện thoại) để bạn check-in. Trước khi đăng bài, hãy kiểm tra xem vị trí của bạn có bị gắn thẻ tự động không và vô hiệu hóa nó. Không có lý do gì để cho tất cả mọi người biết bạn đang ở đâu. Bạn cũng không bao giờ nên chia sẻ địa chỉ vật lý hay số điện thoại của mình lên các kênh công khai.

Thông tin xác minh danh tính: Những trang như Facebook chứa đầy thông tin giá trị để tiến hành tấn công phi kỹ thuật (social engineering). Những kẻ xấu khai thác thông tin để phục vụ mục đích riêng như tống tiền, trộm cắp tài sản, lừa đảo… Vì vậy, tránh chia sẻ những thông tin có thể dùng để xác minh danh tính của bạn như ngày sinh, giấy phép lái xe, hộ chiếu, thẻ tín dụng.

Ngoài ra, tránh xa những bài quizz vui trên mạng xã hội nếu chúng đặt những câu hỏi như năm bạn đi học, tên của thú cưng… Câu hỏi dạng này thường được dùng làm câu hỏi bảo mật để bảo vệ tài khoản trên mạng. Khi để lộ, tài khoản của bạn có thể bị xâm phạm.

Các cuộc thi, tặng quà lừa đảo: Nhiều công ty tổ chức tặng quà và các cuộc thi trên mạng xã hội vì tương tác cao. Dù vậy, cũng có những kẻ xấu lợi dụng điều đó để lừa đảo, ngụy trang dưới danh nghĩa tặng quà miễn phí.

Khi chia sẻ chúng trên trang cá nhân, bạn đang vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, phát tán mã độc hay khiến bạn bè mắc bẫy của kẻ xấu. Ngoài ra, chia sẻ quá nhiều cũng làm phiền mọi người.

Món đồ mới đắt tiền: Nhiều người thích chia sẻ ảnh “đồ chơi” mới trên mạng xã hội như điện thoại, laptop, TV, trang sức, xe hơi… Khi làm như vậy, người nào đó sẽ muốn đánh cắp chúng hoặc lợi dụng bạn theo cách nào đó.

Ở một khía cạnh khác khác đáng cân nhắc là những bài viết như vậy góp phần gây hiệu ứng tiêu cực trên mạng xã hội, chỉ nhìn thấy khía cạnh tuyệt vời của người khác, từ đó tự ti về cuộc sống của mình.

Thông tin nội bộ: Ngoài chia sẻ thông tin riêng tư, một số người còn mắc sai lầm khi đăng thông tin nội bộ của doanh nghiệp, tổ chức lên mạng.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia VN (NCS), việc để lọt lộ dữ liệu sẽ mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như thất thoát thông tin nội bộ, cơ sở dữ liệu khách hàng, mã hóa dữ liệu để tống tiền, gây ảnh hưởng đến hoạt động, chịu tổn hại kinh tế, mất uy tín, đối diện nguy cơ pháp lý…

Ông Sơn thông tin thêm, thời gian qua đã xảy ra quá nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội, trong đó có không ít vụ việc các đối tượng lợi dụng việc nắm bắt thông tin cá nhân của nạn nhân (như tên tuổi, địa chỉ, số CCCD, số nhà, số điện thoại, nghề nghiệp…) để gọi điện, nhắn tin mạo danh các cơ quan tố tụng, nhân viên ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều nạn nhân bị lừa đảo lên đến hàng tỉ đồng và theo ngành chức năng, việc thu hồi tài sản của các vụ việc này để trả lại cho nạn nhân rất khó khăn.

Vì vậy các doanh nghiệp, tổ chức tại VN hiện cần quan tâm đầu tư công nghệ bảo mật, cần có những giải pháp tổng thể để phòng, chống nguy cơ xâm nhập, cài mã độc gián điệp, lấy cắp cơ sở dữ liệu khách hàng, tài liệu nội bộ, mã hóa dữ liệu quan trọng, phát hiện sớm và ngăn chặn các nguy cơ tấn công mạng. Ngoài ra, các chuyên gia bảo mật cũng kiến nghị: Trước tình hình tội phạm công nghệ cao lộng hành như hiện nay, việc tăng cường ngăn ngừa, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng phạm tội. Song song đó, cũng cần rà soát, điều chỉnh quy định phạt nặng hơn đối với hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân.

Người dùng cần tự bảo vệ mình bằng cách nâng cao kiến thức về vấn đề này. Việc nâng cao ý thức trong chia sẻ dữ liệu cá nhân cần phải cập nhật liên tục và rộng rãi với mọi người dùng để ngăn chặn tình trạng này. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, tất cả những yếu tố liên quan đến hình ảnh cá nhân, người dùng cần phải hết sức hạn chế và cẩn trọng khi chia sẻ trên không gian mạng

https://www.haiduongdost.gov.vn/

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: