Thứ ba, ngày 26/11/2024

Một số kết quả đạt được của ngành nông nghiệp năm 2023

Thứ Tư 15/11/2023 15:25

Xem với cỡ chữ
Năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu thực hiện vượt so với cùng kỳ năm trước, góp phần ổn định kinh tế và đời sống nông thôn tỉnh nhà.

 

Ảnh minh họa: Diện tích lớn trồng hành, tỏi của Kinh Môn cho giá trị kinh tế

Năm 2023, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh cả năm 108.325 ha, vượt 0,8% kế hoạch. Năng suất lúa bình quân cả năm 63,48 tạ/ha, cao hơn 0,26 tạ/ha so với năm 2022. Sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 687.700 tấn, vượt 3,6% kế hoạch, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh mà còn cung ứng ra ngoài tỉnh. Giá trị sản xuất cây vụ đông đạt 223,5 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc. Toàn tỉnh có 21.500 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 285.000 tấn. Trong đó gần 50% sản lượng được tiêu thụ trong nước, trên 50% xuất khẩu.

Về chăn nuôi, tổng đàn lợn ước đạt 440.000 con; đàn gia cầm ước đạt 16,7 triệu con; đàn trâu, bò ước đạt trên 19.800 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt trên 138.440 tấn. Tỷ trọng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại đối với chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 55%, chăn nuôi lợn chiếm khoảng 45%. Có 732 trang trại chăn nuôi, trong đó có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 12.082 ha; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 106.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đã có 214 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô từ 05 ha trở lên, với tổng diện tích 4.888 ha và khoảng 90% diện tích nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Về lâm nghiệp, Hải Dương có 9.038 ha đất có rừng, trong đó có 1.512 ha rừng đặc dụng, 4.594 ha rừng phòng hộ; 2.931 ha rừng sản xuất. Diện tích rừng của tỉnh được quản lý, bảo vệ ổn định; 100% diện tích rừng đã được số hóa trên bàn đồ số và hàng năm đều cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên phầm mềm của Tổng cục Lâm nghiệp. Độ che phủ rừng ổn định của tỉnh ổn định ở mức 5,3%. Hiện nay, diện tích khai thác rừng sản xuất đạt 149,5 ha; diện tích trồng rừng sau khai thác đạt 80,24 ha; tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 40 tỷ đồng.

Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh như: Tự động hóa trong chăm sóc, giám sát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; xác tiến thương mại; thực hiện ứng dụng phần mềm số hóa hồ sơ, dữ liệu lưu trữ cơ quan; nâng cấp trang thông tin điện tử của ngành… Phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến đến hết năm 2023 có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Công tác xúc tiến thương mại nông sản được đẩy mạnh, đã mang lại kết quả thiết thực. Chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương trong công tác giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương và xây dựng thương hiệu đối với các lĩnh vực thông qua việc tổ chức và tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ như: Phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với nhiều tỉnh thành trên cả nước; Tổ chức tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử như Voso, Ladaza, Vnpost,... Từ đó nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông nghiệp và thu nhập của người nông dân trong tỉnh. Đến nay đã có 41.132 giao dịch được thực hiện, đứng thứ 7 trên toàn quốc; có 1.162 sản phẩm và 151.104 số hộ được đưa lên sàn thương mại điện tử; có 234 sản phẩm đạt OCOP (2 sản phẩm đạt 5 sao, 94 sản phẩm đạt 4 sao còn lại đạt 3 sao); 200 cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng tem truy xuất nguồn gốc...

Ảnh minh họa: Các sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ngành nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Nông nghiệp có nhiều sản phẩm đặc hữu (vải quả, na, ổi, cà rốt, rươi, cáy...) nhưng sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và lòng tin của người tiêu dùng; lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản chưa phát triển; mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững, hiệu quả chưa cao, nhất là giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp và với các hộ nông dân; chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh nên sức cạnh tranh còn thấp, có rất ít nông sản xây dựng được chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu, thương hiệu; tình trạng sản xuất nông nghiệp ở nông thôn gây ô nhiễm môi trường còn khá phổ biến; vẫn còn tình trạng vi phạm hàng lang an toàn đê điều, thủy lợi, xả thải trái phép....

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030". Tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, chỉ đạo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ ruộng đất để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị. Tăng cường xây dựng thương hiệu và quảng bá xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu trên thị trường; đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Phối hợp với các ngành, địa phương, cơ quan liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ bến, bãi hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đê điều, đất đai, môi trường... theo đúng quy định của pháp luật

Trần Linh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: