Thứ ba, ngày 26/11/2024

Tình hình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Sáu 14/07/2023 09:18

Xem với cỡ chữ
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù còn nhiều khó khăn song với sự quyết tâm, nỗ lực, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

 Lễ khai mạc môn bóng bàn tại SEA Games 31 tại Hải Dương (Nguồn Internet)

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản về cơ chế chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Nổi bật, đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, tổ chức triển khai các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch một cách đồng bộ, chú trọng về chất lượng, hiệu quả. Sau hơn 2 năm, mặc dù còn nhiều khó khăn song với sự quyết tâm, nỗ lực, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ được tổ chức sôi nổi, rộng khắp. Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trọng tâm là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Đến nay, toàn tỉnh có 585.216 trong tổng số 643.050 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (đạt 91%); có 1.293 trong tổng số 1.334 làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa (đạt 96,9%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là duy trì tỷ lệ 90% số làng, khu dân cư văn hóa... Cùng với đó, đã tích cực rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, nâng cao chất lượng các quy ước, hương ước trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng số hương ước, quy ước toàn tỉnh đã được công nhận đến nay là 1.269 bản hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 95,1%).

Trong lĩnh vực thể dục thể thao tiếp tục phát triển, thu hút đông đảo sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, số lượng người tham gia thể dục thể theo thường xuyên ngày càng nhiều. Hiện nay, số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt 32%, số gia đình thể thao đạt 24%, khoảng 3.715 câu lạc bộ, điểm, nhóm tập thể dục thể thao. Chủ trì, phối hợp tổ chức thành công 34 giải thể thao cấp tỉnh; 17 giải thể thao trong Chương trình Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương lần thứ IX. Nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo các vận động viên có thành tích cao, duy trì đào tạo 530 vận động viên năng khiếu cho 25 môn thể thao trọng điểm loại I và loại II. Thành tích thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế của tỉnh ngày càng được nâng lên. Từ năm 2021 - 2023, các đội thể thao của tỉnh tham dự các giải thể thao quốc gia và quốc tế đạt 577 bộ huy chương (gồm 183 HCV, 183 HCB và 211 HCĐ). Trong đó, tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 đạt 21 HCV, 19 HCB, 28 HCĐ; xếp vị trí 11/65 các tỉnh, thành, ngành có thành tích xuất sắc nhất. Toàn tỉnh hiện có 161 vận động viên đẳng cấp, gồm 4 kiện tướng quốc tế, 67 kiện tướng, 7 dự bị kiện tướng và 83 vận động viên cấp I.    

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, có 7 lượt di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn Trung ương với tổng số tiền gần 855 tỷ đồng và 45 lượt di tích được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng số tiền gần 470 tỷ đồng; bên cạnh đó, đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo cho 103 lượt di tích. Giai đoạn 2021 - 2022, trên địa bàn tỉnh có thêm 26 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 02 bảo vật quốc gia. Đến nay toàn tỉnh có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 263 di tích cấp tỉnh; 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 8 bảo vật quốc gia; 826 lễ hội; 02 nghệ nhân nhân dân và 32 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng, truy tặng danh hiệu... Đồng thời, tích cực phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.

Đoàn đại sứ nước ngoài thăm quan vườn vải thiều tại huyện Thanh Hà (Nguồn Internet)

Hoạt động du lịch đang từng bước khai thác được các tiềm năng, thế mạnh, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người Hải Dương đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Một số khu, điểm du lịch đã xây dựng được sản phẩm du lịch mới, đặc trưng như: trà sen Kiếp Bạc, trà hoa cúc Côn Sơn, tranh thêu Xuân Nẻo; phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP. Khách du lịch tăng từ 13,7 nghìn lượt năm 2021 lên 1.231 nghìn lượt năm 2022 (trong đó khách quốc tế 50,6 nghìn lượt, khách nội địa 1.180,4 nghìn lượt); ước cả năm 2023, đạt 1.647 nghìn lượt (trong đó khách quốc tế trên 67 nghìn lượt, khách nội địa 1.580 nghìn lượt). Doanh thu du lịch tăng từ 12 tỷ đồng năm 2021 lên 587,4 tỷ đồng năm 2022 và ước thực hiện năm 2023 đạt 785,7 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn du khách tại các khu, điểm du lịch được quan tâm; chất lượng dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác văn hóa, thể thao và du lịch còn gặp một số hạn chế, khó khăn như: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa phát huy tối đa công năng trong hoạt động. Công tác xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch còn thấp, chưa thường xuyên. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chưa tưng xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Một số môn thể thao thành tích cao phát triển chưa thực sự bền vững. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý và phát triển văn hóa, du lịch còn hạn chế. Hoạt động du lịch còn nhiều khó khăn, chưa duy trì và phát huy được những tour tuyến, điểm du lịch hấp dẫn; chưa có những sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu mang tính cạnh tranh cao; công tác quảng bá, giới thiệu còn hạn chế....

Trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa. Quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hoá của địa phương. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt các ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống. Duy trì và đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển mạnh thể thao thành tích cao theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch...

VPTU Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: