Thứ tư, ngày 27/11/2024

Cuốn sách của Tổng Bí thư lan tỏa xung lực lớn, đẩy lùi trở lực mới

Thứ Hai 19/06/2023 10:23

Xem với cỡ chữ
Từ ngày 17.6.2023, báo Hải Dương đăng loạt bài "Cuốn sách của Tổng Bí thư lan tỏa xung lực lớn, đẩy lùi trở lực mới" góp phần phát huy giá trị cuốn sách mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phản bác một số luận điệu sai trái trong phòng chống "giặc nội xâm".

Bài 1: Xung lực lớn tấn công “giặc nội xâm”

Cuốn sách mới xuất bản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ví như những luồng xung lực lớn, tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến với “giặc nội xâm”.

Chân dung “Tổng tư lệnh”
 


Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Tôi thêm tin tưởng vào cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” khi đọc xong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh ở quy mô, tầm mức chưa từng có như được tiếp thêm nhiều nguồn xung lực, năng lượng lớn bởi sự ra đời của một cuốn sách rất quý. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng và triển khai phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng chỉ đạo trong cuốn sách, đã cộng hưởng, lan tỏa nguồn xung lực ấy ra thêm mãi.

Đọc hết phần 1 và phần 2 của cuốn sách, tôi như được xem một bộ phim về nhiều cuộc chiến khốc liệt nối tiếp nhau. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giống như một vị Tổng tư lệnh, chỉ huy các “binh chủng hợp thành” tả xung hữu đột để tiêu diệt giặc tham nhũng, tiêu cực. Nhưng sau khi đọc phần 3 và cả cuốn sách, cảm nhận trong tôi là nhiều điều cao cả hơn những cuộc chiến. Tôi thấm thía thông điệp sâu xa mà người đứng đầu Đảng muốn gửi gắm là nhiều khi phải chấp nhận những cuộc chiến thương đau trong nội bộ để đạt cái đích cuối cùng là “xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh”, để phát triển đất nước lành mạnh, để dân tộc và nhân dân mãi trường tồn!

Gấp sách lại, tôi thấy sáng rõ chân dung về bản lĩnh chính trị rất kiên định, trí tuệ uyên bác, nhân cách cao đẹp của người đứng đầu Đảng ta, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, một người đảng viên mẫu mực luôn tâm huyết, đau đáu, trăn trở trước sự tồn vong của đất nước, của Đảng trước mối họa tham nhũng, tiêu cực. Một chiến sĩ cộng sản kiên định, kiên quyết, kiên trì, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo Đảng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tấn công mãnh liệt vào cái họa nội xâm, hết lòng hết sức bảo vệ Đảng và dân tộc. Một con người mưu lược, ý chí sắt đá, song cũng rất nhân văn, ân tình.

Nhà lý luận và thực tiễn tài năng

Trong phần 1 cuốn sách, người đọc dễ nhận ra đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận sắc sảo, một nhà hoạt động thực tiễn tài năng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Với tư cách nhà lý luận, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra định nghĩa đúng đắn về tham nhũng, tiêu cực; tầm quan trọng của phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xác định những quan điểm, tư tưởng, phương châm chỉ đạo rất sắc bén, thuyết phục như: Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; phòng là cơ bản, lâu dài, chống là cấp bách, trước mắt; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai…

Công cuộc đấu tranh phòng chống “giặc nội xâm” rất khó khăn, gay go, phức tạp nên đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức đến xử lý hành chính, kinh tế, hình sự, vừa phải “xây” vừa phải “chống” và “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”.

Sâu xa hơn, để ngăn ngừa tận gốc mầm họa tham nhũng, tiêu cực, người đứng đầu Đảng ta nêu rõ các giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực”. Kể từ khi Đổi mới đất nước đến nay, chắc chưa có ai nói về lý luận phòng chống tham nhũng, tiêu cực sâu sắc như thế.

Không chỉ là một nhà lý luận, với vai trò là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy “trận chiến” phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn quan tâm tổng kết thực tiễn, đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý. Ở phần 1 cuốn sách, người đọc không chỉ thấy các thành quả to lớn, toàn diện, nổi bật, mà còn nắm bắt được nhiều bài học kinh nghiệm trong đấu tranh với “giặc nội xâm” như phải kiên quyết, kiên trì phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện, kịp thời xử lý các sai phạm; gắn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát huy vai trò nòng cốt, sự phối hợp của cơ quan chức năng; phải biến quyết tâm thành hành động, nói đi đôi với làm; biện pháp đấu tranh phải phù hợp với tình hình thực tế của đất nước...

Những kinh nghiệm “xương máu” ấy không phải ngày một ngày hai là có, mà đã được đồng chí Tổng Bí thư chiêm nghiệm, tổng kết thực tiễn qua nhiều thập kỷ, kế thừa từ truyền thống đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của cha ông ta bao đời, của Đảng ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội và tiếp thu những tinh hoa của thế giới.

Từ thực tiễn và lý luận, người đứng đầu Đảng đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất xác đáng để tiếp tục đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
 


Tác phẩm “Bệnh sợ trách nhiệm” được tác giả viết cách đây 50 năm nhưng vẫn còn tính thời sự tới hôm nay


Đào sâu tư duy, nâng tầm hiểu biết

Đọc phần 2 của sách, chúng ta tiếp tục được đào sâu tư duy, nâng tầm hiểu biết. Tác giả cuốn sách đã đề cập tới gốc rễ của cuộc đấu tranh: “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một biện pháp quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ngược lại, Đảng trong sạch, vững mạnh là cái gốc để phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây giống như 2 mặt của một vấn đề.

Việc kết cấu phần này thành 2 phần “A. Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn” và “B. Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa” cũng mang nhiều hàm nghĩa. Đó là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa tập thể và cá nhân. Cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực là cuộc chiến của toàn Đảng, toàn dân tộc và cũng là cuộc chiến trong mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân, như lời đồng chí Tổng Bí thư nói là cuộc chiến với “giặc ở trong lòng”.

Đọc nhiều bài viết cách đây 40-50 năm khi tác giả còn đang công tác ở Tạp chí Cộng sản, tôi thấy bây giờ vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa dự báo cao. Đơn cử như bài “Bệnh sợ trách nhiệm” được đăng trên Tạp chí Cộng sản vào tháng 11.1973. Những ngày này, vấn đề “sợ trách nhiệm”, không dám chịu trách nhiệm, làm công việc trì trệ, cản trở phát triển đất nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn đang nóng hổi, đã được tác giả đề cập từ 50 năm trước.

Còn tình trạng “lợi ích nhóm” được nhiều người nhắc tới những năm gần đây cũng đã được nói tới trong bài viết “Móc ngoặc” đăng từ tháng 8.1978.

Năm 1986 - năm bắt đầu công cuộc Đổi mới đất nước, trên Tạp chí Cộng sản vào số 8, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, trong đó có đoạn: “Kiên quyết chống tư tưởng và lối sống chạy theo vật chất, tiền tài, tính ích kỷ, vụ lợi, ăn cắp của công, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa”. Những cảnh báo, dự báo của tác giả cho tới tận hôm nay vẫn còn thời sự và giá trị khi Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Qua phần 1 và 2 của cuốn sách, bạn đọc có phần khá căng thẳng khi thấy cuộc chiến với “giặc nội xâm” rất gay go, quyết liệt, nhưng đến phần 3, chúng ta như được thư thái, vui vẻ vì sự ghi nhận, đánh giá cao, sự tri ân của đông đảo cán bộ, nhân dân và ủng hộ của bạn bè quốc tế với thành tựu to lớn trong đấu tranh với “giặc nội xâm”.
 


Sáng 14.6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII và học tập, quán triệt, tuyên truyền tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Sách về chính trị nhưng dễ đọc

Một cuốn sách về chính trị nhưng không khô khan, trừu tượng, mà dễ đọc, dễ tiếp thu. Làm được điều ấy do nhiều lẽ nhưng có lẽ một yếu tố quan trọng là tác giả sách vốn là cử nhân ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiều bài phát biểu chỉ đạo, bài báo trong sách giàu chất văn học. Tác giả chọn lọc và sử dụng nhiều hình tượng nghệ thuật, hình ảnh so sánh, ca dao, tục ngữ, thơ ca, sử dụng cách nói gần gũi, dân dã… nên rất cuốn hút, thậm chí gây xúc động với người đọc.

Chẳng hạn, đoạn cuối trong bài phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến câu nói của nhân vật Paven Coócxaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô (cũ) Nicôlai Ốtxtơrốpxky: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để trước khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo". Trong thực tế, khi đọc đến đoạn này, giọng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất xúc động và đã lan truyền sự xúc động ấy tới nhiều người.

Còn nói tới sự gương mẫu của đảng viên, đồng chí Tổng Bí thư dùng câu ca dao để nhắc nhở: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Cùng với cuốn sách “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản năm 2019 thì cuốn sách này là một trong những tác phẩm viết về chủ đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực có giá trị lớn kể từ khi Đảng giành được chính quyền năm 1945 đến nay.

Sách giống như một cuốn cẩm nang về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giúp chỉ dẫn, soi sáng nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, làm cơ sở cho công tác này trong rất nhiều năm tới. Cuốn sách thể hiện sự phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.
 

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” có 623 trang, gồm 3 phần. Phần 1 “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” gồm bài viết tổng quan, nhiều bài phát biểu kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị toàn quốc, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phần 2 “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” tuyển chọn 22 bài viết, bài phát biểu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phần 3 “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tập hợp những ý kiến đánh giá, ghi nhận, tin tưởng, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Mời bạn đọc xem sách   tại đây .
Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: