Thứ năm, ngày 18/4/2024

Chuyện những phụ nữ Hải Dương lấy chồng Trung Quốc trở về quê hương

Thứ Ba 07/03/2023 16:15

Xem với cỡ chữ
Qua công tác rà soát của phòng An ninh đối ngoại (Công an tỉnh), trên địa bàn tỉnh hiện nay có 4000 phụ nữ Hải Dương lấy chồng Trung Quốc, Trung Quốc (Đài Loan). Trong số đó, ngoài những người tự nguyện sang làm dâu xứ người với kỳ vọng đổi đời, có điều kiện giúp gia đình thoát khỏi cảnh bần hàn, có rất nhiều người bị các đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc, sống một cuộc đời bất hạnh, không biết ngày về.

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 227 trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc trở về địa phương sinh sống. Đầu tháng 3/2023, theo chân đoàn cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Hải Dương về xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương trong chuyến thăm, tặng quà những phụ nữ lấy chồng Trung Quốc may mắn được trở về quê hương, tôi có cơ hội được tiếp xúc với ba mảnh đời với ba số phận khác nhau.

Phòng An ninh đối ngoại và các ban ngành chức năng xã Hiệp Lực thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Tý

Người phụ nữ đầu tiên chúng tôi đến thăm là bà Nguyễn Thị Tý (sinh năm 1948) ở xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang. Ngôi nhà tình nghĩa được UBND xã Hiệp Lực xây tặng - nơi ở hiện tại của bà Tý trở nên rộn ràng khi đoàn chúng tôi tới. Gặp bà Tý, tôi ước chừng bà phải ngoài 90 tuổi bởi quá nhiều nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt. Khi nghe câu chuyện của bà Tý từ các hội viên phụ nữ trong xã, tôi mới hiểu vì sao năm nay bà 73 tuổi mà nhìn già nua, khắc khổ như ngoài 90.

Trước đây bà Tý làm mẹ đơn thân, có một người con trai có vấn đề về thần kinh. Bà bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 36 - 37 tuổi. Thời gian đầu sang Trung Quốc, bà bị bán vào một gia đình ở tỉnh Quảng Đông. Vì không hiểu ngôn ngữ nên bà bị gia đình họ đánh đập, hành hạ, ngược đãi rồi đuổi ra ngoài đường. Không nhà cửa, bà đi lang thang, nhặt ve chai bán lấy tiền mua thức ăn. Khi đến một ngôi làng ở tỉnh Quảng Tây, bà được người trưởng thôn dựng cho một cái lán nhỏ dưới chân đồi để ở. Bà sống trong cái lán ở nơi hẻo lánh đó suốt 13-14 năm, hầu như không giao tiếp với mọi người. Năm 2017, người nhà của bà Tý ở Việt Nam tình cờ nhìn thấy hình ảnh của bà trên mạng xã hội nên đã sang Trung Quốc đón bà về. Hệ lụy của gần 20 năm sống cô độc bên xứ người là thời gian đầu khi mới về Việt Nam, bà không thể nói chuyện, giao tiếp được với người nhà. Sau hơn 01 năm được gia đình, xóm giềng, các ban ngành chức năng ở xã Hiệp Lực động viên, hỗ trợ về tâm lý, bà đã hòa nhập được với cuộc sống ở quê hương. Tuổi cao sức yếu, không còn khả năng lao động, hiện bà Tý sống cùng con trai. Con trai bà làm thuê làm mướn qua ngày, thu nhập không ổn định.

Lực lượng Công an hướng dẫn các thủ tục về cư trú cho bà Nguyễn Thị Thắm

Chia tay bà Tý với nhiều trăn trở, chúng tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1955), cùng xã hiệp Lực huyện Ninh Giang. Năm 1994, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà cùng một phụ nữ trong xã bị đối tượng xấu dụ dỗ lên Lạng Sơn làm ăn. Tuy nhiên, gần đến Lạng Sơn, các đối tượng cho bà uống thuốc mê để bán sang Trung Quốc. Tại đây, số đối tượng xấu dọa giết bà nếu bà không chịu làm dâu Trung Quốc. Bà Thắm phải ngậm đắng nuốt cay lấy người chồng Trung Quốc què quặt, tàn tật và lao động cực nhọc để nuôi dưỡng người này. Năm 2021, bà được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và lực lượng Công an địa phương hỗ trợ xác minh, cấp lại hộ chiếu để trở về Việt Nam. Hiện tại, bà làm thuê tại địa phương để sống qua ngày, hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn. Có người đến thăm, bà Thắm ngấn nước mắt kể về 17 năm đằng đẵng làm dâu xứ người và cho biết thêm: “Tôi là một trong số ít phụ nữ Việt Nam bị bán qua bên đó mà may mắn được sống yên tại 01 chỗ, không bị bán đi bán lại nhiều lần. Nhiều chị em cực khổ kể không hết”.

Tặng quà bà Đoàn Thị Chè

Cùng chung số phận với bà Thắm, bà Đoàn Thị Chè (sinh năm 1958) ở cùng xã Hiệp Lực huyện Ninh Giang cũng bị lừa bán sang Trung Quốc vào năm 1995. Bà sống cùng một người đàn ông Trung Quốc trong cuộc hôn nhân không tình yêu, bất đồng ngôn ngữ. Họ có với nhau 01 người con trai. Khi chồng mất, con trai đưa bà qua cửa khẩu để bà về Việt Nam. Hiện tại, bà sống một mình trong căn nhà mà anh chị em xây cho bà trên đất của bố mẹ đẻ. Cuộc sống tha hương, vất vả nhiều năm ròng rã khiến bà bị sang chấn nặng nề về tâm lý. Hiện bà Chè phải dùng thuốc điều trị thần kinh hàng ngày, nếu ngày nào bà quên dùng thuốc, làng xóm sẽ thường xuyên nghe thấy tiếng ném xoong nồi, chai lọ, tiếng phụ nữ cười như “lên đồng” phát ra từ nhà người phụ nữ kém may mắn ấy.

Nắm bắt được tình hình phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc trở về địa phương sinh sống, thời gian qua, ngoài việc động viên, thăm hỏi, hỗ trợ về tinh thần và vật chất, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời cấp giấy tờ tùy thân cho 100% các trường hợp này để họ ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Phòng An ninh đối ngoại (Công an tỉnh) phối hợp với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn đã thường xuyên đến tận nhà những phụ nữ này tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, tập trung tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh, luật cư trú để đẩy lùi nguy cơ công dân bị các đối tượng xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; đồng thời hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của công dân liên quan đến việc cư trú, sinh sống khi trở về địa phương.

Sau khi được lực lượng Công an vận động, có không ít phụ nữ lấy chồng Trung Quốc trở về Hải Dương đã trở thành một kênh tuyên truyền xã hội, một nhân chứng sống tuyên truyền đến chị em phụ nữ ở địa phương các nguy cơ, hệ lụy về việc vượt biên trái phép sang Trung Quốc lấy chồng cũng như cảnh báo chị em cảnh giác, tránh nhẹ dạ cả tin trước các chiêu bài mời chào, dụ dỗ của các đối tượng xấu để không sập bẫy lừa của tội phạm mua bán người.

Thời gian tới, lực lượng An ninh đối ngoại Công an tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành chức năng địa phương quan tâm hơn nữa tới số phụ nữ “yếu thế” này trong xã hội để họ có thể yên tâm ở lại cư trú, sinh sống ổn định trên mảnh đất quê hương, hòa nhập với cộng đồng dân cư, bù đắp lại những thiệt thòi của quãng thời gian làm dâu bất hạnh nơi xứ người.

Phương Thùy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: