Ngày 21/12/2022, tại phòng họp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên và các sở: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức ký kết chương trình phối hợp "Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2023 – 2025.
Chương trình phối hợp nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức thực hành bảo vệ, giữ gìn môi trường của mỗi người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan, đơn vị góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống; phát huy và nâng cao vai trò của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường. Chương trình được triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Theo đó, các cơ quan sẽ chủ động hoặc phối hợp thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành ý thức bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào bảo vệ môi trường do trung ương, địa phương, cơ sở đã phát động như: phong trào chống rác thải nhựa; đổ rác đúng nơi quy định; trồng cây xanh; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; sử dụng hợp lý, hiệu quả phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, mỗi cơ quan, đơn vị lựa chọn các hoạt động trọng tâm, phù hợp, thiết thực, góp phần chung tay bảo vệ môi trường.
Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan thường trực của Chương trình phối hợp sẽ tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” về bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh công tác dân vận trong bảo vệ môi trường tạo đồng thuận và ủng hộ của nhân dân khi thực hiện các quy hoạch, kế hoạch quản lý, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh vận động các thôn, khu dân cư xây dựng quy ước về bảo vệ môi trường. Chủ trì cùng các các đoàn thể chính trị - xã hội vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên định kỳ vệ sinh, quét dọn tại địa bàn dân cư đường làng, ngõ xóm. Giám sát việc thực hiện quy ước về bảo vệ môi trường; tăng cường và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân; nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội Cựu Chiến binh tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các đoạn đường Cựu chiến binh tự quản; trồng và chăm sóc cây cảnh trên các đoạn đường Cựu chiến binh tự quản và các nghĩa trang liệt sĩ; phát huy mô hình Câu lạc bộ Cựu chiến binh tuyên truyền giải tỏa hành lang giao thông. Nhân rộng mô hình “Hội Cựu chiến binh trồng, chăm sóc cây xanh” trên các trục đường giao thông và bao quanh các bãi rác thải sinh hoạt khu dân cư. Duy trì và nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường” tuyên truyền hội viên thu gom rác thải sinh hoạt ngay tại hội gia đình theo quy định. Mở rộng mô hình xây dựng công ty xử lý rác thải của các doanh nhân Cựu chiến binh. Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Cựu chiến binh tham gia trồng cây ăn quả, trồng rau sạch…theo tiêu chuẩn OCOP và chương trình VietGap. Phối hợp với Hội doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh triển khai và nhân rộng mô hình các Câu lạc bộ doanh nghiệp doanh nhân cơ sở phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường. Duy trì, nhân rộng mô hình chi, tổ phụ nữ phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Duy trì, nhân rộng mô hình đường hoa, cây xanh tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, tích cực tham gia thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên, nông dân. Tổ chức các hội thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường” cấp tỉnh và cấp huyện. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là ở cơ sở vừa am hiểu kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường, vừa có kỹ năng tuyên truyền, vận động tốt, làm nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường ở các địa phương. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình: “Cánh đồng không rác thải”; “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; “Chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn gắn với bảo vệ môi trường nông thôn”.
Liên đoàn Lao động tỉnh đẩy mạnh phong trào xanh – sạch – đẹp trong các cơ quan, đơn vị, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp.
Tỉnh đoàn thanh niên thành lập và duy trì đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Duy trì hiệu quả mô hình “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ bẩy tình nguyện” thông qua các hoạt động: Thu gom rác thải, túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vớt bèo khơi thông dòng chảy. Duy trì, nhân rộng mô hình “Tuyến đường văn minh sáng – xanh - sạch –đẹp”; “Tuyến đường thanh niên tự quản” tại các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình, công trình về bảo vệ môi trường: Mô hình sáng tạo khởi nghiệp xanh, mô hình sản xuất, kinh doanh sạch trong đoàn viên, thanh niên.
Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn người dân sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xử lý chất thải trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phụ phẩm trong và sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuyên truyền công tác quản lý nhà nước về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; công tác bảo vệ và phát triển rừng; chủ trọng xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác động của rủi ro, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp.
Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sử dụng tro bay, tro sỉ, rác thải nhựa vào sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng để tái sử dụng phế phẩm. Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất theo VietGap, hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật không an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn c hủ động và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn người dân: sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xử lý chất thải trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phụ phẩm trong và sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác động của rủi ro, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; công tác bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Chương trình sẽ được tổng kết vào cuối năm 2025 để rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
*Một số hình ảnh tại hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
Các cơ quan tiến hành ký Chương trình phối hợp "Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 -2025