Thứ hai, ngày 25/11/2024

Hải Dương: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý các cấp chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá

Thứ Ba 26/07/2022 09:03

Xem với cỡ chữ
Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 26/7/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý các cấp chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá.

 

Ảnh minh họa

Theo đó, trong thời gian qua, công tác đấu thầu, đấu giá có liên quan ngân sách Nhà nước (đấu thầu, đấu giá) đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được một số kết quả tích cực. Công tác đấu thầu qua mạng được triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư trên địa bàn năm 2021 đã thực hiện vượt chỉ tiêu theo quy định. Các đơn vị, chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật về quy trình, thủ tục trong hoạt động đấu thầu, từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh, minh bạch và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu có xu hướng tăng, mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm một phần ngân sách cho địa phương. Các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trên địa bàn đã từng bước hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa đấu giá tài sản chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về đấu giá tài sản; hoạt động đấu giá tài sản đã đi vào ổn định, không ngừng nâng cao về chất lượng và phát triển về số lượng, từng bước hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, góp phần quan trọng trong việc tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đấu thầu, đấu giá còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: một số cơ quan, đơn vị chưa nắm chắc các quy định của pháp luật dẫn đến chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục trong hoạt động đấu thầu; trong một số gói thầu tổ chức đấu thầu qua mạng còn tình trạng chỉ có một nhà thầu tham gia, tính cạnh tranh chưa cao; thời gian lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư của một số gói thầu, dự án còn kéo dài; việc giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu ở cấp xã có việc còn chưa thỏa đáng, dẫn đến kiến nghị kéo dài; công tác xác định giá, thẩm định giá, quy định bảng giá đất của tỉnh có lúc còn chưa sát với giá thực tế trên thị trường; việc tuân thủ pháp luật về đấu giá tài sản của một số tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên chưa nghiêm túc trong hoạt động hành nghề đấu giá; cơ chế giám sát và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động đấu thầu, đấu giá chưa được chặt chẽ; còn để xảy ra sai phạm trong đấu thầu đối với một số gói thầu mua sắm vật tư y tế trong thời gian qua.

Để chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế nêu trên; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Các cấp ủy, chính quyền nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu thầu, đấu giá và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản có liên quan. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên, doanh nghiệp và người dân trong việc chấp hành quy định pháp luật về đấu thầu, đấu giá. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá tại địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành mình phụ trách. Tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, tổ chức thực hiện đấu thầu, đấu giá đảm bảo hiệu quả, cạnh tranh, công bằng, minh bạch theo quy định của pháp luật. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về đấu thầu, đấu giá với các pháp luật có liên quan.

2. Chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá trên cơ sở gắn trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao tính chủ động, quyết liệt, thực hiện tốt tinh thần 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, đảm bảo tính công khai, minh bạch; chủ động và thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa các sai phạm. Cụ thể như sau:

2.1. Đối với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn, tổ chức đấu giá tài sản:

Trực tiếp chịu trách nhiệm đối với công việc lựa chọn chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo thận trọng, khách quan, đánh giá kỹ lưỡng và đảm bảo uy tín, năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn, thực hiện đấu thầu, đấu giá; cương quyết loại bỏ những tổ chức, cá nhân có năng lực yếu kém, có hành vi vi phạm đã bị báo chí phản ánh, cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định, tổ chức đấu giá thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan hoạt động đấu thầu, đấu giá để đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, người trúng đấu giá.

Nâng cao chất lượng công tác xác định giá, thẩm định giá của Nhà nước trong hoạt động đấu thầu, đấu giá; quy định cụ thể quy trình, phương pháp xác định giá, thẩm định giá và gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ. Tăng cường quản lý, rà soát, đánh giá chất lượng các tổ chức hành nghề đấu giá viên hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước; Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu, đấu giá, đảm bảo hiệu quả, ngăn ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá.

2.2. Đối với cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động đấu thầu, đấu giá:

Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về đấu thầu, đấu giá trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu, đấu giá; chủ động giải quyết các vấn đề, tình huống phát sinh trong quá trình đấu thầu, đấu giá thuộc thẩm quyền của mình, không đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác giải quyết.

Thực hiện đầy đủ việc đăng tải thông tin công khai về đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật; tăng cường thông tin về các cuộc đấu thầu, đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện đấu thầu qua mạng theo yêu cầu của Chính phủ; nghiên cứu, xây dựng trang thông tin điện tử để tổ chức đấu thầu, đấu giá trực tuyến trên mạng.

Nghiêm cấm việc can thiệp mang tính định hướng, đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, đặt thêm yêu cầu, điều kiện tạo lợi thế cho một hoặc một số cá nhân hoặc tổ chức tham giá đấu thầu, đấu giá gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, đấu giá. Tạo điều kiện cho cá nhân hoặc tổ chức tham giá đấu thầu được giải trình, làm rõ trong quá trình đấu thầu; nghiêm cấm các hành vi thông thầu, gian lận, cản trở, tiết lộ thông tin,… theo quy định của pháp luật.

Chủ động, thường xuyên thực hiện nghiêm túc công tác tự kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực đấu thầu, đấu giá để phát hiện sớm các vi phạm, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý. Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá do cơ quan mình thực hiện để kịp thời xác minh, làm rõ; trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng phải chủ động đề xuất các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất.

2.3. Cán bộ, công chức, người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình, nghiệp vụ trong hoạt động đấu thầu, đấu giá; đảm bảo công tác lập kế hoạch, phương án, lập hồ sơ, đánh giá, thẩm định, xác định giá, lựa chọn nhà thầu, người trúng đấu giá… được thực hiện minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ đối với cán bộ, công chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc giao việc phải có kiểm tra, giám sát. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức làm công việc liên quan đến đấu thầu, đấu giá đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

3. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, đấu giá; trọng tâm là việc công khai, minh bạch các khâu trong quá trình tổ chức thực hiện, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện đối với hiệu quả công tác đấu thầu, đấu giá tài sản; chịu trách nhiệm kỷ luật hành chính hoặc hình sự nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, đấu giá ở cơ quan, đơn vị mình mà không chủ động phát hiện, không kiên quyết chỉ đạo xử lý hoặc có hành vi bao che tham nhũng, tiêu cực.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý theo Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan hoạt động đấu thầu, đấu giá.

4. Cơ quan thanh tra chủ động nắm tình hình để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực đấu thầu, đấu giá. Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất, những gói thầu, dự án quy mô lớn, phức tạp, gói thầu không nằm trong hạn mức nhưng áp dụng chỉ định thầu hoặc gói thầu có phát sinh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi nhận được đề nghị hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thông qua đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; chú trọng theo dõi việc khắc phục các tồn tại sau thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện kết luận hoặc tiếp tục để xảy ra vi phạm.

 Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong việc xử lý, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị khởi tố. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng thì phải chuyển ngay sang cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ (không cần chờ kết thúc cuộc thanh tra, kiểm tra).

Tăng cường phối hợp của các cơ quan chức năng, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá; sử dụng biện pháp nghiệp vụ để hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, đấu giá.

5. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, MTTQ và các thành viên, các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác phát hiện, kiến nghị xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, đấu giá. Tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và nhân dân phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực;  bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng thời nghiêm cấm và xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

Đính kèm toàn văn Chỉ thị:   /CKeditorData/tintuc/files/CT%2029%20tu.pdf

Trần Linh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: