Thứ năm, ngày 28/11/2024

Cần khắc phục một số vấn đề trong vận hành tài chính cho giáo dục

Thứ Ba 30/10/2018 16:41

Xem với cỡ chữ
Việc vận hành tài chính cho giáo dục được đại biểu Quốc hội phản ánh còn nhiều bất cập với các vấn đề như: bất cập về cơ chế phân bổ, thiếu cơ chế giám sát, chưa cân đối trong cơ cấu đầu tư…

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV sáng 29-10

Tại phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV ngày 29-10, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) khi đề cập đến vấn đề chính sách tài chính cho giáo dục đã nhận định ngoài ưu tiên chi ngân sách cho giáo dục thì Chính phủ còn nhiều chính sách khác nữa, đây là sự ưu tiên cần thiết với quan điểm coi giáo dục là quốc sách hằng đầu.

Đại biểu cho rằng từ nhiều năm nay, tỷ lệ ngân sách cho giáo dục hằng năm ở mức xấp xỉ 20%, tuy nhiên, việc vận hành tài chính cho giáo dục còn nhiều bất cập. Cụ thể, về cơ chế quản lý ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo được phân cấp mạnh theo chiều dọc, cho các địa phương và theo chiều ngang cho các bộ, ngành nhưng dường như đang thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả. Trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục thì ngân sách địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng chiếm tỷ trọng khoảng 89%, ngân sách do các bộ, ngành Trung ương quản lý, sử dụng là 11%, trong đó Bộ GD-ĐT chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng gần 5%. Đặc biệt, đối với nguồn cân đối từ ngân sách địa phương dành cho giáo dục thì hiện đang thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính không nắm được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ trong việc giao tổng số vốn cho các địa phương không giao chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực.

“Như vậy, cơ quan nào sẽ tổng hợp chi đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề trong toàn quốc. Cơ quan nào sẽ nắm được dòng tiền 20% ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo được cơ cấu và vận hành như thế nào và hiệu quả sử dụng hiện nay ra sao?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Từ thực tiễn này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị cần xây dựng một cơ chế quản lý ngân sách theo ngành và xác định rõ trách nhiệm của bộ chủ quản trong việc tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách định kỳ cũng như quản lý và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục ở cả trung ương và địa phương.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có giải pháp về định mức phân bổ ngân sách tại địa phương; xem xét lại cơ cấu đầu tư cho giáo dục và đặc biệt là cần phải xã hội hóa để tăng nguồn kinh phí cho khối đại học, cao đẳng để bảo đảm được chất lượng.

Hiện trong cơ cấu phân bổ ngân sách cho giáo dục còn bất cập ở chỗ ngân sách phân bổ cho các địa phương đang dựa trên dân số ở độ tuổi đi học căn cứ quản lý hộ khẩu. Thực tế cho thấy người dân ở các khu vực nông thôn đang đổ về các thành phố lớn, các khu công nghiệp, trong khi hộ khẩu vẫn ở địa phương. Như vậy, cách định mức phân bổ ngân sách không còn phù hợp với thực tế, tạo sức ép rất lớn cho các khu đô thị, khu công nghiệp.

Về cơ cấu đầu tư cho giáo dục, hiện nay tỷ lệ giữa đầu tư cho giáo dục phổ thông hay giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa cân đối, đặc biệt là khối giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề chỉ xấp xỉ trên dưới 10%, do đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của khối cao đẳng, đại học.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) khi đề cập đến quản lý chi thường xuyên, cũng nói tới hai vấn đề cần xem xét trong đó có việc đẩy mạnh lộ trình giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đại biểu, kinh nghiệm thực hiện việc thí điểm giao quyền tự chủ cho 23 trường đại học trong ba năm qua đã cho thấy chúng ta đạt được lợi ích kép. Nhà nước tiết kiệm được chi phí chi thường xuyên, các trường thì phát huy được nội lực để tăng cường các nguồn lực đầu tư, tăng cường các điều kiện để đầu tư làm tốt các hoạt động chuyên môn của mình.

“Chính phủ cần phải đẩy mạnh, trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập kèm theo đó là phải thay đổi phương thức cấp ngân sách như hiện nay sang phương thức là chế độ đặt hàng chứ không có nghĩa tự chủ là nhà nước không đầu tư ngân sách” – đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tại hội trường Quốc hội. Đặc biệt, Thủ tướng đã có chủ trương cho xây dựng một đề án là giao quyền tự chủ ở mức cao, không có bộ chủ quản cho ba trường đại học. “Xin đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành sẽ ủng hộ để tất cả những kiến nghị của ba trường được giao thí điểm sẽ được đáp ứng để xây dựng nên một mô hình quản trị đại học là không có bộ chủ quản như các nước tiên tiến trên thế giới" - đại biểu nói.

Theo Báo Nhân dân Điện tử

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: