Thứ tư, ngày 27/11/2024

Chất vấn trong Đảng chưa đạt mục tiêu đề ra

Thứ Hai 20/06/2022 08:03

Xem với cỡ chữ
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hoạt động chất vấn trong Đảng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Việc chất vấn trong Đảng ở các cấp chưa được thực hiện một cách thường xuyên.

Việc thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng được xác định là một giải pháp quan trọng để thực hành dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy việc thực hiện Quy chế này đã mang lại những kết quả thiết thực. Tuy nhiên thực tế vẫn còn một số hạn chế bất cập cần sớm được khắc phục.

chat van trong Dang chua dat muc tieu de ra hinh anh 1

Đại hội XIII của Đảng. 

Chất vấn để phát huy sức chiến đấu của các tổ chức Đảng

Chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng là việc đảng viên hỏi và được trả lời về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đảng hoặc chức trách nhiệm vụ, tiêu chuẩn, đảng viên, trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước. Mục đích, yêu cầu của chất vấn và trả lời chất vấn là nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Chất vấn góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hào, Học viện Chính trị khu vực 3 cho biết, hoạt động chất vấn trong Đảng là một trong những hình thức kiểm tra, giám sát, góp phần kiểm soát quyền lực các tổ chức trong bộ máy của Đảng.

Trong thực tế sinh hoạt, nhiều cấp ủy Đảng triển khai việc chất vấn trong đảng và bước đầu khẳng định hiệu quả; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, lề lối phong cách làm việc của cán bộ đảng viên.

“Cho đến nay, chúng ta đã có quy chế về chất vấn, có hướng dẫn thực hiện chất vấn trong Đảng. Trên thực tế đã có nơi triển khai và thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng và bước đầu khẳng định hiệu quả; góp phần đổi mới lề lối phong cách, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ thực tế thực hiện nhiệm vụ của mình ở cơ sở” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hào nói.

Ông Lường Văn Xích, Bí thư Đảng ủy xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng không chỉ giúp cho Đảng có thêm năng lực, uy tín và sức mạnh mà còn là sợi dây kết nối gắn bó mật thiết giữa ý Đảng với lòng dân. Những năm qua, các cấp ủy Đảng ở địa phương rất quan tâm thực hiện hoạt động chất vấn theo đúng quy định của Trung ương.

“Vấn đề này là hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không chất vấn, không giải quyết kịp thời thì cũng giống như chúng ta triển khai công việc mà không giám sát, không kiểm tra lại. Chúng ta không biết công việc mình làm có hiệu quả hay không, có đến với người dân hay không” - Bí thư Đảng ủy xã Nhi Sơn nói.

Chất vấn trong Đảng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia về công tác xây dựng đảng, hoạt động chất vấn trong đảng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Việc chất vấn trong đảng ở các cấp chưa được thực hiện một cách thường xuyên liên tục; chất lượng chất vấn chưa cao, chưa thật đáp ứng mục tiêu yêu cầu đề ra”.

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: “Việc chất vấn trong Đảng là công việc thường xuyên của các cấp ủy tổ chức Đảng và tất cả các cấp. Thế nhưng việc này vẫn chưa được tiến hành thường xuyên. Tại các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đã từng có nhiều lần chất vấn trước Ban chấp hành Trung ương. Nhưng sau đó, tôi thấy, việc này cứ thưa dần. Còn ở các cấp dưới thì rõ ràng việc chất vấn trong Đảng chưa được tiến hành một cách thường xuyên, nghiêm túc. Chất lượng chấn vấn chưa thật sự đáp ứng mục tiêu, yêu cầu”.

Quy chế chất vấn trong Đảng là một trong nhiều quy định về tổ chức sinh hoạt Đảng nhưng lại là quy định ít được quan tâm, triển khai, thực hiện trong thời gian qua. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc sai phạm không được phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa.

Nguyên nhân của việc chất vấn không hiệu quả

Chất vấn trong Đảng được xác định là một giải pháp quan trọng để thực hành dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nhưng trong thực tế việc thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng vẫn chưa thành hoạt động thường xuyên, phổ biến ở các đảng bộ. Nội dung chất vấn còn nghèo nàn, chưa thực sự đúng trọng tâm, trọng điểm, còn né tránh nhiều vấn đề bức xúc.

Vì sao và làm thế nào để hoạt động chất vấn trong Đảng thực sự có hiệu quả? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Bôn, Nguyên Thư ký Khoa học Hội đồng lý luận Trung ương dẫn ra hàng loạt hạn chế trong thực hiện quy chế chất vấn trong đảng hiện nay như: Mặc dù nhiều hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ đã dành thời gian để các cấp ủy viên thực hiện quyền chất vấn, song số lượng đăng ký chất vấn tại các kỳ họp này còn ít, thậm chí rất ít.

Ở nhiều nơi, phương pháp chất vấn giống như phê bình, tự phê bình, góp ý trả lời chất vấn giống nhau. Nhiều cấp ủy chưa mạnh dạn triển khai thực hiện chất vấn, hồ sơ lưu trữ, việc sơ kết, tổng kết chưa được quan tâm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là quy chế chất vấn trong Đảng chưa được các cấp ủy Đảng và đảng viên nhận thức đầy đủ, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Nhiều tổ chức cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy còn có tâm lý e ngại, thậm chí có biểu hiện né tránh không muốn triển khai trên thực tế vì lợi ích cá nhân trong khi quy định về chất vấn cũng chưa đầy đủ.

Tiến sĩ Bùi Đình Bôn nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa nhất, lớn nhất là chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên dẫn đến sự né tránh không dám đấu tranh trong nội bộ cấp ủy. Vì đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên nên nhiều người biết nhưng không nói. Bên cạnh đó, chúng ta chưa phát huy được việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Thêm nữa, cơ chế chính sách còn nhiều sơ hở”.

Ông Phạm Ngọc, Nguyên Trưởng phòng Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc chất vấn trong Đảng chưa tốt bởi cả người đứng đầu cấp ủy lẫn các cấp ủy viên và đảng viên chưa thực sự nhận thức đầy đủ về vai trò ý nghĩa của hoạt động này.

Mặt khác, việc này bị chi phối bởi rào cản về tâm lý và lợi ích của cả đối tượng chất vấn và người chất vấn. Trong khi đó quy định của Đảng về chất vấn chưa đồng bộ và cũng chưa đề cập trách nhiệm chế tài đối với cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy khi không thực hiện chất vấn theo quy định.

Làm thế nào để việc chất vấn có hiệu quả?

Để quy chế chất vấn trong Đảng thực sự có hiệu quả, chúng ta cần sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng mở rộng quyền chất vấn cho các đảng viên; công khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của cấp ủy để đảng viên và nhân dân kiểm tra, giám sát; đồng thời quy định rõ trách nhiệm và chế tài cụ thể đối với cấp ủy và người đứng đầu trong thực hiện hoạt động chất vấn.

chat van trong Dang chua dat muc tieu de ra hinh anh 3

Đảng viên TP Hồ Chí Minh chất vấn và trả lời chất vấn.

“Thứ nhất là phải sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp. Thứ hai, cần có chế tài cụ thể là tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phải có sơ kết tổng kết việc thực hiện quy chế này như các Nghị quyết, chỉ thị khác” - Nguyên Trưởng phòng Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội nói.

Khi bàn về các giải pháp để hoạt động chất vấn trong Đảng đi vào thực chất, trở thành sinh hoạt thường xuyên trong Đảng, Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất nhiều giải pháp.

Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Cường nhấn mạnh: “Đầu tiên là phải tuyên truyền, làm rõ nhận thức cho cán bộ đảng viên. Đặc biệt là các đảng viên bình thường, rồi đến các đảng viên cấp ủy. Một trong những biện pháp để phát huy dân chủ là phải công khai. Do đó, hoạt động chất vấn cũng nên có tính chất mở rộng dân chủ theo hướng công khai, trừ các lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước.

"Người lãnh đạo, tập thể cấp ủy cũng phải nêu gương. Nếu chúng ta làm tốt được như vậy, tôi nghĩ rằng các quy chế quy định nói chung quy chế về chất vấn trong Đảng nói riêng sẽ đi vào cuộc sống và đảng viên sẽ phát huy được vai trò”- TS Lê Văn Cường chia sẻ. 

 Để quy chế chất vấn trong Đảng đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tăng cường giáo dục nhận thức cho đảng viên, cần bổ sung, sửa đổi Quy chế xây dựng cơ chế để mọi đảng viên bình thường được thực hiện chất vấn tại các hội nghị của Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Thêm vào đó, cần xây dựng thêm những quy định về chế độ, trách nhiệm xác định hệ thống chế tài, xử lý vi phạm trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, như xây dựng quy trình chất vấn trong các hội nghị của Đảng; quy định chế tài cao nhất, trong đó nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với tổ chức Đảng, đảng viên trả lời chất vấn.

Theo Baohaiduong

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: