Thứ tư, ngày 27/11/2024

Huyện Tứ Kỳ tổ chức Lễ hội lúa rươi hữu cơ vụ xuân 2022

Thứ Hai 13/06/2022 16:47

Xem với cỡ chữ
Sáng 13/6, tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức Lễ hội lúa rươi hữu cơ vụ xuân 2022. Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ và tỉnh Hải Dương cùng dự Lễ hội.

Lễ hội lúa rươi Tứ Kỳ - vụ xuân 2022

Lễ hội được tổ chức tại vùng bãi khai thác rươi cáy xã An Thanh đã được cấp chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ có diện tích 137ha của xã An Thanh. Sau phần cắt băng khai hội là Hộii thi Gặt lúa rươi ST25 hữu cơ, cắt băng xuất chuyến hàng đầu tiên cho doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm và phần thi nấu cơm và hội đùa nơm bắt cá trên sông Sồi. Lễ hội cũng trưng bày các gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của các xã: An Thanh, Quang Phục, Hà Kỳ, Văn Tố, Hưng Đạo...

Gian hàng sản phẩm chế biến thì đặc sản Cáy

Đây là Lễ hội lần đầu tiên được Tứ Kỳ tổ chức nhằm quảng bá, kích cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và giới thiệu tiềm năng lợi thế, các chính sách khuyến khích ưu đãi của huyện trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, tạo cơ hội cho người dân được trực tiesp tham gia quảng bá nông sản đặc trưng của quê hương tới đông đảo du khách trên khắp cả nước và cả ở nước ngoài.

Huyện Tứ Kỳ nằm ở cuối hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải, trên địa bàn huyện có 2 tuyến đê trực tiếp chống lũ với tổng chiều dài trên 40 km, trong đó đê tả sông Luộc là đê cấp II dài trên 10 km và đê hữu Thái Bình dài 30 km. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa của 4 dòng sông quanh huyện của tỉnh Hải Dương; nông dân trong huyện có truyền thống, kinh nghiệm làm nông nghiệp từ nhiều đời nay, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đông, trong đó có rươi, cáy, lúa hữu cơ và nhiều sản phẩm khác.Những năm trước đây, trên diện tích đất bãi khai thác rươi, người dân An Thanh và một số xã khác của huyện Tứ Lỳ thường cấy các giống lúa truyền thống của địa phương, chủ yếu là hom ré. Hướng tới mục tiêu tăng năng suất, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân từ tiềm năng vùng đất bãi, mô hình khai thác rươi cáy kết hợp cấy lúa hữu cơ đã được triển khai trên diện tích 137ha và thu hút 294 hộ nông dân tham gia sản xuất, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của An Thanh nói riêng và huyện nhà nói chung. Hiện nay, khu vực bảo tồn và khai thác rươi, cáy của An Thanh đang áp dụng quy trình cấy lúa hữu cơ một vụ chiêm, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, mở ra tiềm năng du lịch sinh thái tại các xã ven sông Thái Bình và sông Luộc. Vụ Đông xuân năm 2021-2022 huyện có thêm giống lúa mới được đưa vào canh tác là giống lúa cho sản phẩm “Gạo ngon nhất thế giới” danh hiệu được vinh danh tại cuộc thi Worlds Best Rice lần thứ 11 tại Phillipines đó là giống lúa ST25. 

Đại diện cho 3 thôn của xã An Thanh tham gia phần thi Gặt lúa hữu cơ ST25

Về dự và phát biểu tại Lễ hội, đồng chí Lê Minh Hoan, UVTW Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Hải Dương, huyện Tứ Kỳ trong việc tổ chức Lễ hội. Đó là dịp để tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, tôn vinh các đặc sản vùng miền.  Đồng chí nhấn mạnh, tư duy mới ‘Người Hải Dương làm nông nghiệp vị nhân sinh’ cần được triển khai sâu rộng, để lan tỏa tình yêu cho nông nghiệp, yêu thiên nhiên, làm sạch, đẹp môi trường. Tinh thần nhân văn sẽ làm mỗi hạt gạo, sản phẩm nông nghiệp đi xa, đến được với nhiều người tiêu dùng hơn”. Đồng thời,  huyện Tứ Kỳ nói riêng và người làm nông nghiệp nói chung cần chú trọng 4 nấc thang tạo ra giá trị gia tăng nông nghiệp. Xây dựng nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị và mong muốn trong thời gian tới, nông sản Hải Dương sẽ tiếp tục được nhân dân trong và người nước biết tới và thưởng thức nhiều hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Lễ hội (Ảnh ST)

 
 

 

Phát biểu tại Lễ hội, đồng chí Phạm Xuân Thăng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương vui mừng phấn khởi khẳng định, Hải Dương đang định hướng phát triển nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị dựa trên những tiềm năng riêng có, khai thác tối đa những ưu thế do thiên nhiên ban tặng. Việc tổ chức Lễ hội là tầng thứ 4 nhằm nâng cao giá trị nông sản, văn hóa, lịch sử. Vừa qua, tỉnh Hải Dương đã tổ chức thành công Lễ hội Cà rốt, Lễ hội mở vườn vải Thanh Hà; đã giúp nông sản Hải Dương đến với người dân trong và ngoài nước, vươn đến với những thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Lễ hội

 

Tại lễ hội, người dân được tham gia Hội đùa nơm, bắt cá trên sông Sồi, đây là hoạt động cộng đồng mang tính đặc thù của vùng quê An Thanh. Địa phương đang kỳ vọng, nếu khôi phục các hoạt động đặc trưng của địa phương sẽ thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm thời gian tới.

Người dân hưởng ứng hội đùa nơm, bắt cá trên sông Sồi, An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương

Lễ hội cũng đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm; cắt băng xuất bán chuyến hàng lúa, chuối hữu cơ đầu tiên của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: