Thứ tư, ngày 27/11/2024

Vải thiều Việt Nam chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản

Thứ Hai 06/06/2022 17:18

Xem với cỡ chữ
Tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản diễn ra từ 4 - 5.6 vừa qua, trái vải thiều Việt Nam đã được giới thiệu tới nhiều người dân xứ hoa anh đào.

 

Khi những trái vải thiều bắt đầu vào mùa thu hoạch chính thì những lô hàng vải sớm đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương bằng đường hàng không đã cập cảng Nhật Bản. Từ cách đây nhiều tháng, các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản đã trao đổi và thống nhất với các công ty xuất khẩu của Việt Nam về kế hoạch tiếp tục đưa trái vải tươi Việt Nam vào Nhật Bản trong mùa vụ 2022.

Thâm nhập vào thị trường Nhật Bản

Vào thời điểm mùa hè thì trái vải thiều tươi của Việt Nam là một trong những loại hoa quả nhập khẩu được người tiêu dùng tại Nhật Bản mong chờ nhất. Sau thời gian dài đàm phán kỹ thuật, trái vải tươi Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản chính thức mở cửa cho phép nhập khẩu kể từ ngày 15/12/2019. Trong hai mùa vụ 2020 và 2021 vừa qua, trái vải tươi Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Nhật Bản rất thành công với lượng nhập khẩu năm đầu tiên đạt khoảng 40 tấn và tăng cao trong năm tiếp theo, đạt khoảng 300-400 tấn. Trái vải Việt Nam chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng tại Nhật Bản, đặc biệt là số lượng lớn cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Nhằm mục tiêu thúc đẩy quảng bá hình ảnh trái vải tươi Việt Nam rộng rãi hơn nữa, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức sự kiện giới thiệu trái vải tươi tại Lễ hội Việt Nam tại Tokyo năm 2022. Lễ hội Việt Nam tại Tokyo được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức thường niên kể từ năm 2008, là một sự kiện nằm trong chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Nhật Bản, qua đó góp phần tăng cường sự giao lưu văn hóa, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Lễ hội năm 2021 có sự tham gia của hơn 40 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức, thu hút khoảng 30.000 lượt khách tham quan trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Lễ hội Việt Nam tại Tokyo năm 2022 được tổ chức từ ngày 04-05/6/2022, trùng với thời gian vào mùa thu hoạch vải tại Việt Nam.

Vải thiều Việt Nam chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản - 1

Trái vải thiều được giới thiệu tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản

Sự kiện quảng bá tại Lễ hội sẽ là lần đầu tiên Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang và hai doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả uy tín là Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn cầu, Công ty CP Ameii Việt Nam giới thiệu trực tiếp trái vải tươi tới khách tham quan Lễ hội. Cộng đồng người Việt và những người Nhật có tình cảm yêu mến Việt Nam có cơ hội được ăn thử và cảm nhận vị ngon của trái vải, đồng thời có thể mua về làm quà tặng người thân và bạn bè. Thương vụ tin rằng sự kiện lần này sẽ góp phần giúp trái vải tươi Việt Nam ngày càng được biết đến, được đón nhận và được yêu mến hơn tại thị trường Nhật Bản.

Vải thiều Việt Nam chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản - 2

Khách tham quan đến thăm gian hàng giới thiệu vải thiều

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 7,4 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt kim ngạch 678,2 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: hàng thủy sản (490,2 triệu USD, tăng 14%); cà phê (110,1 triệu USD, tăng 45,4%); hàng rau quả (50,1 triệu USD, tăng 7,5%); hạt điều (15,8 triệu USD, tăng 7%); hạt tiêu (6,5 triệu USD, tăng 121%); cao su (5,4 triệu USD, giảm 13,3%)...

Cần chú ý tiêu chuẩn chất lượng

Nhật Bản là quốc gia có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Trong năm 2022 Cơ quan Hải quan Nhật Bản đưa ra yêu cầu kiểm tra dư lượng kháng sinh đối với các lô hàng vải từ Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, cơ quan này đã thông báo thông tin này tới các cơ quan hữu quan trong nước để nhanh chóng khuyến cáo tới các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng trái vải đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản, cho nên chỉ có những trái vải thực sự chất lượng mới có thể thâm nhập thị trường này. Giá thành trái vải vì thế cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nắm bắt được thông tin về việc Nhật Bản sẽ gia tăng mức độ và tần suất kiểm dịch, các công ty sản xuất và xuất khẩu trái vải đã có sự chủ động trao đổi, thống nhất cùng nỗ lực làm việc một cách cẩn thận, chắc chắn nhằm đảm bảo trái vải tươi có thể tiếp tục được nhập khẩu vào Nhật Bản một cách ổn định, bền vững và lâu dài.

Nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, các công ty Việt Nam và các đối tác Nhật Bản cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong việc chuyển giao các công nghệ bảo quản mới của nước ngoài, giúp quả vải có thể giữ nguyên được màu sắc, hương vị trong thời gian lâu hơn so với trước đây. Bên cạnh đó các hợp tác xã sản xuất và người nông dân cũng chú trọng thực hiện quy trình quản lý chất lượng trong mọi khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hái để đảm bảo chất lượng sản phẩm; quả vải sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế ngay trong vòng 3 tiếng tiếp theo để đảm bảo giữ được độ tươi ngon. Trái vải cũng được đóng gói bắt mắt vào các bao bì với khối lượng khác nhau theo túi 1kg, 2kg hay 5kg nhằm đáp ứng đa dạng các nhu cầu của khách hàng như tiêu dùng cá nhân hoặc gia đình, mua làm quà tặng cho bạn bè, đối tác…

Theo VTC

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: