Thứ sáu, ngày 29/11/2024

Nhìn lại 1 năm tiêm chủng: Chiến dịch "lá chắn" đã thành công

Thứ Tư 09/03/2022 15:33

Xem với cỡ chữ
Ngày 8.3.2021, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu tiên tại Hải Dương. Sau đúng 1 năm triển khai, Việt Nam đã tiêm gần 198,3 triệu liều và trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.

 

Nhân viên y tế làm công tác tiêm chủng

Ngày 8.3.2021, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu tiên tại tỉnh Hải Dương.

Sau đúng 1 năm triển khai, Việt Nam đã tiêm gần 198,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Chiến dịch tiêm vaccine đã thành công, đạt tỷ lệ rất cao so với thế giới, riêng chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân đã tiêm được 14 triệu liều. Chúng ta cũng đang nghiên cứu việc tiêm mũi 4".

Vaccine là "lá chắn" an toàn nhất

Đại dịch COVID-19 "tung hoành" đã tạo ra những thách thức chưa từng có, tác động nặng nề đối với nền kinh tế và xã hội ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu.

Đến nay, có thể nói chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam - chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đã thu về những con số vượt mức đề ra, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước dần trở lại cuộc sống bình thường mới.

Đặc biệt, trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (từ 29.1.2022 - 28.2.2022), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc.

Một năm qua đã minh chứng cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, góp phần hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19.

Chỉ trong một năm, kể từ ngày tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên (8/3/2021) đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều vaccine, thực hiện tiêm chủng hơn 197,5 triệu liều vaccine. Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên toàn quốc là hơn 197 triệu liều, trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 180.887.693 liều: Mũi 1 là 70.860.108 liều; Mũi 2 là 67.675.096 liều; Mũi 3 là 1.500.984 liều; Mũi bổ sung là 14.239.065 liều; Mũi nhắc lại là 26.612.440 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.022.660 liều: Mũi 1 là 8.743.818 liều; Mũi 2 là 8.278.842 liều.

Như vậy Việt Nam đã cơ bản đã bao phủ 2 liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% là cơ bản đáp ứng tiến độ (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng).

Đến hết Quý I/2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1.2022 do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4/2022.

Thủ tướng nhấn mạnh thực tiễn đã khẳng định vaccine là "lá chắn" an toàn nhất trong phòng, chống dịch. Tiêm vaccine sớm hơn, tăng cường mũi thứ 3 thì sẽ an toàn hơn và việc bảo đảm thuốc chữa bệnh kịp thời đã góp phần ngăn chặn chuyển nặng, tử vong.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang

Từ ca nhiễm đầu tiên đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 4,5 triệu ca mắc, hơn 2,5 triệu người đã khỏi bệnh (63,8%), 40.891 ca tử vong. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197%, số ca tử vong giảm 47%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).

Bộ Y tế nhận định đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng hơn 100.000 ca mỗi ngày), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết cùng với các đối tác ở Bộ Y tế và WHO, UNICEF công nhận rằng việc tiêm chủng kết hợp với thực hành phòng dịch đã chứng minh thành công trong việc giảm đáng kể số ca tử vong cũng như số ca bệnh nặng.

Tiếp tục được coi là ưu tiên hàng đầu

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn thanh Long, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là tại thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta.

Theo báo cáo của TP Hà Nội biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Tại TP Hồ Chí Minh biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1.2 là 0,9% và ngày 3.3 là 0,1%).

Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1.2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%).

Trong thời gian qua, cả nước đã cơ bản chuyển sang trạng thái quản lý rủi ro theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, mặc dù số ca mắc tăng nhưng giảm cả 3 tiêu chí: Nhập viện, ca nặng, tử vong. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng.

"Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh nhân thông thường", Bộ trưởng Y tế thông tin.

Trong thời gian tới, Việt Nam triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và đang nghiên cứu triên khai tiêm mũi vaccine thứ 4. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Bộ Y tế mong muốn và kêu gọi mỗi người Việt Nam chung sức phòng, chống dịch COVID-19, bằng cách tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế và thực hiện thật tốt Thông điệp 5K, đặc biệt là sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người.

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, trong thời gian qua hầu hết các địa phương đều sử dụng hiệu quả nguồn vaccine được phân bổ, tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học theo đúng hướng dẫn, không để xảy ra tình trạng vaccine hết hạn phải hủy bỏ.

Thời gian tới, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng bởi dự báo diễn biến dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, bám sát tình hình để có giải pháp phù hợp trong phòng, chống dịch tốt, tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine theo tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người," trong quý I phải hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm); hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và các cháu dưới 5 tuổi…

Như vậy, một năm qua Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine đi sau - về trước với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay.

Theo TTXVN

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: