Thứ hai, ngày 23/12/2024

Bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 bằng trí tuệ nhân tạo

Chủ Nhật 02/09/2018 23:31

Xem với cỡ chữ
Trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là một trong những công nghệ “đầu tàu” của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 khi nó hiện diện ở mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội. Mặc dù được đưa vào nhóm quốc gia có tiềm năng, nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Nếu nắm bắt được xu thế, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm nghiên cứu về AI của khu vực và thế giới.

 

Đội ngũ sản xuất phần mềm tại Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software, Tập đoàn FPT) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: TRẦN HẢI

Cơ hội và thách thức

Sophia, rô-bốt đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân khi đến Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao về 4.0 đã tự giới thiệu về bản thân: “Tôi là rô-bốt được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững và những rô-bốt như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”. Sophia đã khẳng định bản thân là đại diện của kỷ nguyên 4.0 và cuộc “ra mắt” của rô-bốt này là một minh chứng cho thấy AI đang là xu thế tất yếu. Thực tế thế giới đang có những bước phát triển ngoạn mục về AI, giúp cuộc sống trở nên tiện lợi hơn. Theo các chuyên gia, trong vòng vài năm tới, AI sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và sinh hoạt của con người, làm cho thế giới biến đổi một cách mạnh mẽ. AI đã “âm thầm” xuất hiện trong các ứng dụng phục vụ con người như: mạng xã hội, nhận diện khuôn mặt, đặt xe thông minh, phân tích dữ liệu khách hàng, phần mềm lọc thư rác… 

Tiến sĩ Lê Viết Quốc, chuyên gia dự án Google Brain là một trong những dự án về AI lớn nhất của Google đã giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm là Google dịch. Đây được coi là sản phẩm tiện ích nhất hiện nay cho người dùng in-tơ-nét trên toàn thế giới. Ban đầu, con người đưa dữ liệu vào 10 từ, Google nhận diện sai hai từ, dịch câu nhiều lúc cứng nhắc, không rõ ý. Nhưng sau gần 10 năm phát triển, đến nay sản phẩm này đã cơ bản dịch hoàn thiện từng từ, các câu cũng được dịch gần sát nghĩa. Theo TS Lê Viết Quốc, sau mỗi một cuộc CMCN, thế giới lại ghi dấu sự xuất hiện của một cường quốc như: Đài Loan (Trung Quốc) với công nghệ chip, Hàn Quốc với thiết bị di động, Nhật Bản là động cơ và chất bán dẫn… Với CMCN 4.0, Việt Nam có nhiều tiềm năng và hoàn toàn có thể trở thành “đầu tàu” với việc phát triển về AI. Để làm được điều này thì đào tạo nguồn nhân lực phải được coi là vấn đề cốt lõi, cần thay đổi phương thức đào tạo. Mặt khác, việc nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam vẫn còn dàn trải, trong khi nghiên cứu, phát triển AI lại đòi hỏi sự đầu tư lớn, thời gian kéo dài.

Chuyên gia của Tập đoàn ABB giới thiệu sản phẩm rô-bốt ứng dụng AI.Ảnh: KHÁNH AN


Việc nghiên cứu AI tại Việt Nam đã bắt đầu hình thành từ vài năm trở lại đây và đã có một số sản phẩm ứng dụng AI. Đến nay, việc nghiên cứu, ứng dụng AI gần như là một trong những dự án không thể thiếu ở các doanh nghiệp về công nghệ, qua đó liên tục có các sản phẩm ứng dụng AI như: hỏi đáp thông tin các trận bóng đá, dạy học thông minh, dịch máy tự động, nhận dạng qua ca-mê-ra… Giám đốc Nhóm giải pháp, Tập đoàn IBM Việt Nam Trần Nguyên Vũ nhận định, lợi thế của Việt Nam là đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin trẻ, nắm bắt nhanh và khởi đầu của Việt Nam cũng thuận tiện hơn khi không phải chuyển đổi quá nhiều. Đáng chú ý, Việt Nam thậm chí còn có thể chiếm ưu thế so với các nước khác do chúng ta có lợi thế về lượng người sử dụng dịch vụ viễn thông lớn khi có tới 35% số dân sử dụng mạng xã hội, với thời gian sử dụng bình quân tới 25 giờ mỗi tuần, cao hơn gần 15% so với bình quân chung trên thế giới. 

Việt Nam cũng có thể xuất khẩu phần mềm hoặc gia công phần mềm ứng dụng công nghệ AI, là những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn nhiều sản phẩm phần mềm thông thường. GS Vũ Hà Văn, Viện trưởng Nghiên cứu dữ liệu lớn (Tập đoàn Vingroup) cho rằng, nghiên cứu và ứng dụng AI đang là làn sóng mới, hứa hẹn thay đổi mọi mặt của đời sống, thậm chí thay đổi hoàn toàn bộ mặt nền kinh tế của một quốc gia. Đối với AI thì điều quan trọng nhất vẫn là dữ liệu, sau đó dùng các thuật toán hiện đại để tìm ra một giải pháp thông minh cho vấn đề. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam dữ liệu vẫn chưa thu thập được nhiều để có thể sử dụng ngay được và thiếu người để khai thác, ứng dụng được dữ liệu. Do đó, AI có thể nói vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với Việt Nam.

Tạo bước đột phá

Xu thế đầu tư vào AI trên thế giới liên tục tăng cao, từ mức 415 triệu USD (năm 2015) lên tới năm tỷ USD (năm 2017). Thế nhưng, để nắm bắt, phát triển và ứng dụng được AI thì theo TS Trần Việt Hùng, sáng lập viên Got It (doanh nghiệp trong lĩnh vực AI), Việt Nam phải đáp ứng được ba yếu tố cốt lõi. Thứ nhất là dữ liệu, bởi thiết bị có thể được “dạy” càng nhiều dữ liệu sẽ giúp ứng dụng thông minh hơn. Thứ hai là phải có hệ thống tính toán, xử lý dữ liệu tốt, nếu có nhiều dữ liệu nhưng không tính toán được thì cũng không tận dụng được. Thứ ba là yếu tố con người (nguồn nhân lực). Nhiều chuyên gia cũng cho biết, ngay tại những công ty, tập đoàn lớn trên thế giới hiện nay cũng đang phải đối mặt với việc thiếu đội ngũ chuyên gia, nhân tài trong việc nghiên cứu, khai thác và làm chủ công nghệ AI. Do đó, việc nghiên cứu, phát triển AI, tập trung vào lĩnh vực gì cho phù hợp với trình độ phát triển của từng nước là bài toán cần sớm có câu trả lời. 

Với năng lực, tiềm lực như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh như: y tế, nông nghiệp, giáo dục… Nếu “tham” đầu tư nhiều lĩnh vực sẽ dẫn đến dàn trải và tụt hậu so với thế giới. TS Bùi Hải Hưng, chuyên gia dự án Deep Mind của Google cho rằng, một số công ty công nghệ ở Việt Nam đã thành lập phòng thí nghiệm về AI, nhưng trong tương lai cũng sẽ gặp tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Trong khi đó, vấn đề đào tạo nhân lực cao cho AI lại chưa được chú trọng thích đáng, các trường đại học Việt Nam cũng gặp khó khăn trong đào tạo do kinh phí lớn. Do vậy, Nhà nước cần chú trọng hơn, có sự đầu tư thích đáng để tạo dựng môi trường nghiên cứu về AI ở mức độ tương đương trên thế giới. Theo TS Trần Đặng Minh Trí, giảng viên Đại học Y Xít-ni (Ô-xtrây-li-a), đồng sáng lập Công ty Harrison (chuyên nghiên cứu và ứng dụng AI trong y tế), Việt Nam đang có trong tay kho dữ liệu đặc thù và khổng lồ cho việc phát triển AI. Việt Nam có dân số đông, giao dịch, ứng dụng nhiều sẽ cho nguồn dữ liệu lớn, nhưng hiện nay lại đang bị phân mảnh, nằm ở nhiều nơi và không có tiêu chuẩn chung. Đây là “kho vàng” để phát triển các công nghệ AI, nhưng để khai thác hết tiềm năng thì phải xây dựng được nền tảng, dựa trên việc tập hợp dữ liệu để phát triển. Chưa kể, để khai thác cần phải có nền tảng về pháp lý sở hữu trí tuệ, nền tảng về dữ liệu… Điều này chỉ có thể làm được khi Chính phủ, các bộ, ngành, công ty công nghệ, các nhà nghiên cứu cùng ngồi lại với nhau để khai thác nguồn tài nguyên, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong về AI. 

Thời gian qua, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm trong việc tiếp cận, bắt kịp CMCN 4.0 thông qua làm chủ công nghệ, các nghiên cứu, trong đó có AI. Quyết tâm đó được thể hiện bằng hàng loạt hành động từ việc ban hành chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0, cho tới việc thực hiện đề án Hệ tri thức Việt số hóa nhằm tổng hợp các dữ liệu khác nhau. Mới đây, Chính phủ đã mời 100 chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt Nam tài năng trên thế giới về “hiến kế” để Việt Nam có thể bắt kịp CMCN 4.0. Cộng đồng trí thức bước đầu nhận được những lời mời kết hợp từ các doanh nghiệp về công nghệ, các bộ, ngành để triển khai ngay các chương trình, dự án và cả những định hướng phát triển cho Việt Nam.

Theo Báo Nhân dân Điện tử

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: