Thứ bảy, ngày 21/12/2024

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 4

Thứ Năm 16/08/2018 19:39

Xem với cỡ chữ
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 15-8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc; 110,3 độ kinh đông, trên khu vực phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách TP Móng Cái (Quảng Ninh) 280 km, cách tỉnh Thái Bình 410 km, cách TP Vinh (Nghệ An) 550 km.

Các phương tiện tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tân Sơn (tỉnh Thái Bình). Ảnh: TẤT ÐẠT

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, như vậy từ sáng sớm hôm nay 16-8, bão số 4 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ. Ðến 22 giờ ngày 16-8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,4 độ vĩ bắc; 108,0 độ kinh đông, ngay trên đảo Bạch Long Vỹ và cách Móng Cái 170km, cách Thái Bình 220 km, cách Vinh 330 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

★ Từ đêm 15 đến ngày 18-8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250 đến 350 mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực đông bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

★ Từ ngày 16 đến 18-8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2 đến 4 m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3 đến 6 m. Ðỉnh lũ trên sông Ðà lên mức BÐ1, BÐ2; sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Bưởi (Thanh Hóa) có khả năng lên mức BÐ2, BÐ3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BÐ1, thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) lên mức BÐ1, BÐ2, hạ lưu sông Mã dưới mức BÐ1. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An.

★ Trên hệ thống sông Cầu, sông Công (Thái Nguyên) sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 đến 3 m từ ngày 15 đến 18-8. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, nhất là tại các vùng đồi núi ven sông suối, ngập úng các vùng trũng thấp.

★ Chiều 15-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) họp khẩn để ứng phó bão số 4. Theo đó, các địa phương cần có kế hoạch bảo đảm an toàn người và tài sản; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn... Ban Chỉ đạo đã thành lập ba đoàn công tác đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thái Bình, Thanh Hóa... kiểm tra hệ thống đê sông ứng phó với bão và mưa lũ sau bão vào sáng nay.

★ Tổng cục Thủy lợi cho biết, hiện có 101 hồ chứa lớn và 1.945 hồ chứa nhỏ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã đầy nước; 234 hồ chứa xung yếu. Ðoàn công tác của Tổng cục đang đi kiểm tra tình hình hồ chứa tại các địa phương để bảo đảm an toàn trong công tác vận hành, ứng phó với bão và mưa lũ.

★ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) cho biết, đến 14 giờ 30 phút ngày 15-8, không có tàu nào hoạt động ở khu vực nguy hiểm được xác định do ảnh hưởng của bão. Các địa phương đã thông báo cho 36.314 phương tiện/137.774 người; 11.378 lồng bè, lều, chòi canh/14.706 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

★ Ðến 12 giờ ngày 15-8, toàn bộ 1.295 tàu thuyền khai thác thủy sản ở vùng biển Móng Cái (Quảng Ninh) đã về nơi trú bão an toàn; 650 đò sắt trên sông biên giới đã nhận được thông báo và cam kết sẽ về nơi neo đậu khi có bão lũ xảy ra; 348 lồng bè, 23 chòi nuôi trồng thủy sản đã được gia cố, di chuyển về nơi tránh trú bão...

★ Ðến chiều 15-8, Bộ Chỉ huy BÐBP Hải Phòng đã kiểm đếm, thông báo cho hơn 2.830 phương tiện với 9.195 lao động; 450 lồng bè với gần 1.240 lao động; 299 chòi canh với 290 lao động đang hoạt động và neo đậu, chủ động phòng tránh bão.

★ Bão số 4 sẽ gây mưa to đến rất to khiến mực nước tại hồ Núi Cốc dâng cao. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) sẽ điều tiết mực nước hồ qua tràn xả lũ với lưu lượng có thể từ 100 đến 600 m3/s hoặc lớn hơn. Các tổ chức, cá nhân ở phía hạ du hồ Núi Cốc và hai bên bờ sông Công cần có biện pháp phòng, tránh.

★ Ðối phó với bão số 4, tỉnh Nam Ðịnh yêu cầu ngành chức năng cùng người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa, tàu, thuyền; chủ động tiêu thoát nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và diện tích lúa mùa vừa gieo cấy; có phương án bảo đảm an toàn đê điều...

★ Tỉnh Thái Bình đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 12 giờ ngày 15-8. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu. Khẩn trương kiểm tra các nhà dân, bệnh xá, trường học, kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn, sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có yêu cầu...

★ Hiện, tuyến bờ biển dài hơn 2 km thuộc thôn Khánh Nhơn 1, Khánh Nhơn 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) bị sóng biển xâm thực sâu vào trong đất liền. Lực lượng chức năng đã vận động bà con di dời; đổ đá kè bờ biển tạm thời để hạn chế thiệt hại. Tỉnh cũng kiến nghị T.Ư hỗ trợ 397 tỷ đồng để xử lý các điểm sạt lở.

★ Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện mực nước tại trạm Tân Châu là 3,76 m. Tại trạm Châu Ðốc là 3,27 m. Mưa lớn kết hợp với triều cường khiến tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) bị ngập nặng khiến nhiều phương tiện di chuyển khó khăn.

★ Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, tại huyện Tu Mơ Rông, huyện Ðác Glei (Kon Tum) có mưa to đến rất to khiến quốc lộ 40 B qua huyện Tu Mơ Rông bị sạt lở ta-luy dương tại km 165 và km 61+420, với hàng nghìn m3 đất, đá làm ách tắc giao thông. Mưa lớn cũng đã làm cho cầu Ðăk Long thuộc tuyến đường quốc lộ 14, nước ngập dầm cầu, gây chia cắt huyện Ðác Glei và huyện Ngọc Hồi... Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sự cố, sớm ổn định đời sống nhân dân.

★ Chiều 15-8, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đến kiểm tra công tác an toàn hồ chứa tại tỉnh Quảng Bình. Hiện, tỉnh có 150 hồ, đập thủy lợi các loại với tổng dung tích 560 triệu m3 nước. Trong đó, 82% số hồ, đập vừa và nhỏ đang xuống cấp gây mất an toàn cho vùng hạ du.

★ Trong ngày 14 và ngày 15-8, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đến kiểm tra tình hình an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tại tỉnh Quảng Trị. Hiện, tỉnh có 131 hồ chứa nước các loại, phục vụ tưới cho hơn 25 nghìn ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Tỉnh cần tăng cường kiểm tra từng hồ đập để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

★ Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo, ngày 15-8, có công điện đề nghị các sở Giáo dục và Ðào tạo, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc tại các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ triển khai một số công việc để phòng, chống cơn bão số 4 đang đi vào Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, các đơn vị cần thực hiện phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất công trình trường, lớp học. Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm an toàn tài sản. Có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho năm học mới…

Rạng sáng 15-8, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực I, Ðồn Biên phòng Quan Lạn (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) đã tiếp cận và đưa được ba thuyền viên vào bờ an toàn. Trước đó, tàu cá lắp máy 20 CV do anh Chu Văn Trọng (37 tuổi, trú tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm thuyền trưởng, bị mắc cạn ở cồn đá giữa biển trong điều kiện giông lốc tại khu vực vùng biển Cửa Ðối, huyện Vân Ðồn (Quảng Ninh). Ðồn Biên phòng Quan Lạn cũng hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, đồng thời sẽ phối hợp các cơ quan chức năng trục vớt tàu cho ngư dân khi điều kiện thời tiết cho phép.

Theo Báo Nhân dân Điện tử

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: