Chủ nhật, ngày 22/12/2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam

Thứ Tư 08/08/2018 19:24

Xem với cỡ chữ
Sáng 27-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Cùng dự, có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.

Vì vậy, “tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”. Nói những điều này để thấy chúng ta rất tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị di sản của tổ tiên để lại, các ngành và toàn xã hội phải có trách nhiệm rất lớn giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững các di sản đó.

Thủ tướng nhấn mạnh, di sản về bản chất thuộc quá khứ và dễ bị ngủ yên. Vì vậy, phải luôn “sáng tạo, năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo.

“Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể, cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng nói. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết là ngành văn hóa, là phải làm cho các di sản hồi sinh, sống động, thu hút, đặc biệt là phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này.

Mặc dù đánh giá, nhiệm vụ này trong thời gian qua cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này, như: pháp luật đã có đủ nhưng thực thi chưa nghiêm; công tác phối hợp của các cấp, các ngành chưa tốt; chưa xử lý tốt quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản.

Theo Thủ tướng, việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm. Nguồn lực tài chính dành cho công tác này luôn hạn chế, trong khi chưa phát huy được tốt nhất nguồn lực trong dân, vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bên cạnh đó, còn những thách thức như cùng với thực hiện đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế, đầu tư nước ngoài, sức ép của toàn cầu hóa đối với văn hóa truyền thống ngày càng lớn; sức ép của quá trình đô thị hóa, việc biến tướng trong khai thác di sản, tận thu; sự xuống cấp của di sản văn hóa và thiên nhiên do thời gian, tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đối khí hậu...

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc và phương hướng cơ bản bảo tồn di sản và và phát triển bền vững. Đó là bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. Xã hội hóa, cộng đồng hóa trong lĩnh vực này là xu hướng tất yếu và cần thiết. Hãy trả lại cho cộng đồng cái gì thuộc về cộng đồng. Di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội. Xây dựng văn hóa coi trọng di sản cho các em học sinh ngay từ lúc ấu thơ để mỗi người chúng ta chủ động đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhà nước hỗ trợ nhưng không bao cấp hay làm thay.

Đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế trong bảo tồn và quản lý di sản vì bản chất của di sản và văn hóa là giao lưu. Giao lưu để quảng bá và giao lưu để học hỏi kinh nghiệm nhằm bảo vệ di sản tốt hơn và qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế. Phải đóng góp bản sắc của Việt Nam để làm phong phú hơn bức tranh toàn cầu về đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc trên thế giới và coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế.

Cách xử lý di sản cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa trong và ngoài nước, giữa các địa phương, giữa các dân tộc, giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển để bảo đảm rằng, văn hóa và di sản sẽ gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết, mang thêm sức mạnh nội sinh cho dân tộc và tăng cường sức mạnh mềm của Việt Nam.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản, trong đó tập trung nghiên cứu, đánh giá những vấn đề đặt ra sau hơn 10 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa.

Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Nghiên cứu đề xuất việc phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm. Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại.

Xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường. Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ của ngành di sản văn hóa từ T.Ư đến cơ sở. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác.

Trên cơ sở kết quả hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: