Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Hải Dương: Phát huy vai trò Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 23/10/2019 16:34

Xem với cỡ chữ
Với vai trò là trung tâm nòng cốt trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Hải Dương đã chủ động triển khai thực hiện nhiều nội dung, việc làm cụ thể, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chung tay góp sức làm khởi sắc bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh

Hải Dương hiện có 12/12 huyện, thị, thành Hội; 258/258 cơ sở Hội với 381.234 hội viên sinh hoạt tại 1.364 chi hội. Xác định rõ vai trò nòng cốt của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kế hoạch của trung ương, của tỉnh về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, các câu lạc bộ nông dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài, loa phát thanh, Bản tin, trang thông tin điện tử, các hội thi... qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương và công tác Hội. Trong 10 năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức được 18.125 lượt tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; 5.450 cuộc họp, sơ, tổng kết, hội thảo, 31.814 lượt tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội, câu lạc bộ và qua các hội thi “Nhà nông đua tài”; Hội thi “Nông dân với công tác bảo vệ môi trường”…Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt.

Cùng với việc tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức phát động sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” gắn với xây dựng nông thôn mới với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực hiện ủy thác với Ngân hàng CSXH, tín chấp với Ngân hàng NN&PTNT, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; đào tạo nghề cho nông dân. Tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, tư vấn hướng dẫn, cung cấp thông tin thị trường, giá cả, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xây dựng và quản lý 15 nhãn hiệu tập thể sản phẩm hàng hóa nông nghiệp: Ổi, chanh, quất (Thanh Hà), Bưởi Thanh Hồng (Thanh Hà); sắn dây, hành, tỏi (Kinh Môn); củ đậu (Kim Thành); Rau an toàn Gia Lộc; bánh Đa Hội Yên (Chi Lăng Nam –Thanh Miện; Gạo (Thanh Miện); Na (Chí Linh); Rươi, cáy (Tứ Kỳ); Hành (Nam Sách); bánh đa Lộ Cương (Tứ Minh –TP Hải Dương). Tập trung xây dựng các mô hình trang trại, các mô hình kinh tế tập thể sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nông dân xây dựng trên 500 mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về phân bón, giống cây trồng, vật nuôi…

Các hộ dân thu hoạch rươi ở Tứ Kỳ

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như: Mô hình nuôi gà ri lai Lương Phượng ở xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An (Chí Linh); mô hình thâm canh dưa Thanh Lê, bí xanh số 2 ở xã Đoàn Thượng, xã Quang Minh, huyện Gia Lộc; Ổi trắng ở xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, Rươi ở Tứ Kỳ…Qua bình xét, hàng năm, có trên 160.000 hộ nông dân đăng ký, cuối năm bình xét có trên 130.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào thi đua đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo kinh tế ở vùng nông thôn.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hội viên, nông dân đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền, ngày công tham gia làm đường bê tông, sửa chữa, nâng cấp kênh mương nội đồng, xây dựng và sửa chữa trường học, nhà văn hóa xã, thôn… kết quả, các cấp Hội đã vận động nông dân đóng góp ước đạt 2.500 tỷ đồng, 2 triệu ngày công, 700ha đất nông nghiệp và thổ cư để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, các công trình phúc lợi,.. . Các tập thể, cá tiêu biểu như: Ông Hoàng Nhân Thanh, xã Hợp Đức (huyện Thanh Hà) tài trợ làm trường học, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, quỹ khuyến học, các hoạt động văn hóa thể thao của xã Hợp Đức với số tiền 8,5 tỷ đồng; Bà Bùi Thị Lộc, xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Giàng) tài trợ trên 1 tỷ đồng làm 1 km đường bê tông; ông Đoàn Văn Đoạt, Khánh Hội, Nam Đồng (Thành phố Hải Dương) hiến 123m2 đất ở. Xã An Lâm, huyện Nam Sách nhân dân đã hiến 8.895 m2 đất thổ cư, 240.000 m2 đất ruộng; xã An Bình nhân dân đã hiến 7.400 m2 đất thổ cư, 297.160 m2 đất ruộng…

Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên, nông dân tích cực xây dựng nông thôn mới thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Nhờ đó, số gia đình hội viên nông dân đăng ký và đạt gia đình văn hóa chiếm tỷ lệ cao. Hàng năm, đã tổ chức cho trên 300.000 hộ đăng ký, bình xét cuối năm có trên 90% hộ đạt Gia đình văn hóa và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tổ chức nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như giao hữu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, vật truyền thống, các trò chơi dân gian như cờ tướng, kéo co mang đậm bản sắc dân tộc, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Với những kết quả đạt được, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM. Đến hết tháng 10/2019, toàn tỉnh đã có 191/220 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 86,8%. Dự kiến cuối năm có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã lên 201/220 xã, đạt 91,4%; có khoảng 5-10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao . Có 3 huyện, thành phố về đí ch NTM là: Cẩm Giàng, Kinh Môn, Chí Linh. Hiện nay có 5 huyện, thành phố đang chờ Trung ương thẩm định là: Nam Sách, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang và Thành phố Hải Dương. Dự kiến cuối năm 2019, có 8 huyện, T hành phố đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch trước hơn 01 năm; theo KH giao đến cuối năm 2020 tỉnh Hải Dương có 80% trở lên số xã đạt chuẩn NTM và có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM hoặc T hành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ) .

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của Hội nông dân các cấp trong xây dựng NTM, các cấp Hội xác định sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động cho cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân nhận thức rõ hơn về vai trò, ví trí của mình trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và bền vững. Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực học tập, nâng cao kiến thức về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đặc biệt là ứng dụng những thành quả của nền nông nghiệp 4.0. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, tác phong làm việc, cách thức quản lý, khả năng thích ứng của nông dân . Tăng cường phối hợp với các ban, ngành triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, khuyến nông, dạy nghề; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất kinh doanh và xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, phát triển nông nghiệp bền vững. Tập trung đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nghề nghiệp để hỗ trợ nông dân ngày càng tốt hơn. Liên kết cới doanh nghiệp xây dựng mạng lưới thương mại điện tử; liên kết cán bộ Hội các cấp với các doanh nghiệp và các hộ nông dân để kết nối cung cầu, cung ứng các vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Vận động nông dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước diễn ra ở cơ sở với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực.

Nguyễn Thị Quyên (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: